23/02/2020 11:07 AM
CafeLand – Có vài trăm triệu trong tay, nhiều người vẫn cố gắng tích góp thêm chút xíu nữa rồi mới mua nhà để giảm áp lực vay ngân hàng. Tuy nhiên, khi họ có được số tiền đó thì giá nhà không còn nằm ở mức mà họ thấy trước đây.

Đây có lẽ là tình cảnh chung của nhiều người trong quá trình hiện thức hóa giấc mơ có nhà tại các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội.

Khó càng khó

Năm 2018, khi cầm trong tay số tiền 400 triệu đồng, vợ chồng anh Khôi (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) đã tính tới việc vay ngân hàng để mua căn hộ. Thời điểm đó, căn hộ 50m2 có giá khoảng 1,5 tỉ đồng khá phổ biển tại các quận 9, Thủ Đức hay Bình Tân và Tân Phú.

Tuy nhiên, để giảm bớt áp lực lãi vay ngân hàng, anh Khôi tạm ngưng ý định mua nhà để “cày cuốc” thêm nhằm gia tăng nguồn vốn tích lũy. Thế nhưng, sau đó là một chuỗi ngày “rượt đuổi” giữa thu nhập của hai vợ chồng và giá nhà. Căn hộ giá 1,5 tỉ đồng lúc trước anh định mua nay đã tăng lên xấp xỉ 2 tỉ đồng. Những dự án căn hộ khác trong khu vực cũng tăng giá chóng mặt và ít lựa chọn hơn so với trước.

“Bí quá tôi tìm xuống tận khu vực Dĩ An, Bình Dương để tìm hiểu nhưng giá căn hộ ở đây cũng chẳng thua kém gì. Một căn hộ Dĩ An giáp ranh với quận Thủ Đức giá cũng xấp xỉ 2 tỉ đồng/căn”, anh Khôi nói.

Với số tiền hiện tại, nhiều bạn bè khuyên anh Khôi đi đầu tư đất nền ở các tỉnh vùng ven. Nhưng anh Khôi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và cũng lo sợ rủi ro khi lừa đảo nhan nhản trong mua bán đất nền.

“Tôi chỉ muốn kiếm một căn hộ, nhỏ thôi cũng được để cho vợ con khỏi kiếp ở thuê. Nhưng với giá nhà như hiện này thì bất khả thi”, anh Khôi than thở.

Nếu như trong giai đoạn 2015 – 2017, nhà giá rẻ được định nghĩa là những căn hộ có giá trên dưới 1 tỉ đồng thì nay con số này dường như đã tăng gấp đôi. Thậm chí, những dự án căn hộ có giá trên dưới 2 tỉ đồng hiện nay cũng không có nhiều lựa chọn dù ở các quận, huyện vùng ven.

Đâu là giải pháp?

Theo một chuyên gia bất động sản, sỡ dĩ căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm vì những khó khăn thực tế của thị trường bất động sản những năm gần gây.

Thứ nhất, do số lượng dự án mới cực kỳ khan hiếm, đặc biệt là phân khúc bình dân do những ảnh hưởng của pháp lý. Thứ hai, do quá trình thủ tục pháp lý kéo dài thời gian triển khai dự án khiến cho chi phí đầu vào bị đội lên, kéo theo việc tăng giá bán sản phẩm.

Chuyên gia này cho biết, với tình hình khó khăn của thị trường bất động sản, bên cạnh những phát sinh mới như dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì dự báo sắp tới thị trường sẽ càng khó khăn hơn nữa. Do đó, khả năng để mua nhà với mức giá phải chăng là không dễ dàng.

Ông cho rằng, ngoài việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dư án đang bị vướng mắc thì cũng cần có những chính sách dài hơi hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư như giảm thủ tục hành chính, giảm tiền sử dụng đất. Đặc biệt là gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà ở giá rẻ như gói 30.000 tỉ trước đây.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản HoREA, cho biết trong năm 2019, giá bán căn hộ tại TP.HCM đã tăng rất cao, khoảng 15 – 50%, thậm chí một dự án căn hộ ở vùng ven cũng đã tăng giá khoảng 40%. Do đó, khả năng mua nhà, đặc biệt là những người thu nhập thấp tại thành phố càng xa vời.

Một trong những giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp chính là các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, số lượng các dự án này trên địa bàn là rất ít ỏi so với nhu cầu.

Theo chủ tịch HoREA, để giải quyết nguồn cung thì cần phải giải quyết ngay các vướng mắc về pháp lý đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất thuộc Nhà nước quản lý. Những khó khăn về quy trình, thủ tục xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở để làm tăng nguồn cung dự án nhà ở, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp dành cho người mua nhà có thu nhập thấp.

  • Hà Nội và TP.HCM, giá nhà ở đâu đắt hơn?

    Hà Nội và TP.HCM, giá nhà ở đâu đắt hơn?

    CafeLand - Hà Nội và TPHCM là hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước. Trong năm 2019, hai thị trường này có những diễn biến đáng chú ý với nhiều điểm khác biệt.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.