Kìm giữ đà tăng CPI ở mức vừa phải, đồng thời ổn định thị trường tiền tệ, đưa lãi suất về mức hợp lý là những yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong những tháng cuối năm 2010.

Tuy nhiên, với những diễn biến của nền kinh tế, theo nhận định của hầu hết các chuyên gia thì từ nay đến cuối năm còn gặp khá nhiều khó khăn.Theo Viện phó Viện Thị trường giá cả, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, “việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không phải bình ổn giá cả”.


Lãi suất khó giảm, tiền khó vào sản xuất

Nhận định khái quát về tình hình kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2010, mới đây báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam là nhanh chóng nhưng không đồng đều. Thời điểm này có nhiều vấn đề lo ngại xung quanh vấn đề lãi suất, tỷ giá, lạm phát...

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định xung quanh vấn đề lãi suất gần đây đã cho rằng, diễn biến thực tiễn của thị trường tiền tệ đang khuyến khích người dân chuyển sang đầu cơ tài chính.

Sau lời kêu gọi đồng thuận hạ lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng chỉ có một số ít ngân hàng thương mại lớn có động thái giảm lãi suất “cầm chừng và miễn cưỡng” còn hầu hết các ngân hàng khác không thể giảm như mong muốn.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng, công tác điều hành tỷ giá, lãi suất “đang đứng giữa ngã ba đường”. Hiện nay, ngân hàng muốn huy động thì phải tăng lãi tiết kiệm, dẫn đến lãi suất cho vay vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp luôn luôn cao, trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp có đủ uy tín để tự huy động vốn trong xã hội, hầu hết vẫn phải tìm nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Với mức lãi suất cao như hiện nay khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất giảm, dẫn đến nguồn cung hàng hóa cho nền kinh tế cũng bị hạn chế.

Một yêu cầu khác đó là việc ổn định thị trường tiền tệ với tỷ giá hợp lý là biện pháp cần thiết và lâu dài được hầu hết các chuyên gia đồng tình. Việc tỷ giá cần được duy trì hợp lý để giúp đồng nội tệ “có giá” tuy làm giảm khả năng xuất khẩu trước mắt nhưng sẽ hạn chế được tâm lý lo lắng mất giá đồng tiền, từ đó mới kích thích dòng vốn đầu tư vào sản xuất. Khi lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, chất lượng nâng cao thì ắt sẽ xoá bỏ được sự độc quyền, ép giá cũng như giảm thiểu nhập khẩu hàng tiêu dùng, qua đó áp lực CPI mới có cơ sở để giảm xuống.

Kiềm chế lạm phát vẫn sẽ luôn là thách thức


Cũng trong báo cáo nhận định về kinh tế Việt Nam, WB đã đưa ra những dự báo thay đổi xung quanh một số chỉ tiêu kinh tế trong năm 2010. Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, vào tháng 6-2010, WB còn cho rằng Việt Nam sẽ có một năm tương đối thành công với tăng trưởng đạt mức 7%. Tuy nhiên, với lần cập nhật này, WB cho rằng, GDP chỉ “đang trên đà đạt được mục tiêu 6,5% của năm 2010”. Về lạm phát, WB dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 8%, giảm nhẹ so với con số tính toán trước đó là 9%, được nêu ra vào tháng 6 năm nay.

Với những diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua, lãi suất vẫn ở mức cao ngoài mong muốn, tỷ giá biến động bất thường... các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát đang là vấn đề đáng lo ngại từ nay đến cuối năm.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh bình luận: Mục tiêu kiềm chế lạm phát 7- 8% cả năm nay như vậy là rất khó thành. Việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không phải bình ổn giá cả. “Gốc rễ của lạm phát năm nay là do chúng ta không giải quyết được vấn đề nhập siêu; hạn chế nhập siêu cho những dự án lớn nhưng thực tế chúng ta vẫn đang làm ngược lại. Chính điều này tạo sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ và áp lực lên tỷ giá hối đoái, khiến VND mất giá ngay trong nước. Nếu cố giữ CPI năm 2010 dưới một con số bằng các biện pháp hành chính như bình ổn giá lúc này thì cũng có thể đạt được nhưng khả năng lạm phát leo thang mạnh vào năm sau là điều rất dễ xảy ra”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích trong một phát biểu mới đây cho rằng: Yêu cầu kiềm chế lạm phát sẽ luôn là thách thức trong những năm tới và sẽ rất khó để thể thực hiện bởi mặt bằng giá cả trong nước tăng lên nhanh để tiệm cận với mặt bằng giá cả khu vực và thế giới theo nguyên lý “bình thông nhau” là một tất yếu khách quan.
Cafeland.vn - Theo Báo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland