06/02/2012 12:54 AM
Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone) đang có dấu hiệu dịu bớt, nhờ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bơm hàng trăm triệu euro vào các ngân hàng khu vực và việc Liên minh châu Âu (EU) mới đây nhất trí về một hiệp định tài chính mới.
Khủng hoảng nợ công Eurozone có dấu hiệu dịu bớt
(Nguồn: Reuters)
Trước hết là việc Bồ Đào Nha đã quay lại thị trường trái phiếu chính phủ với những phản ứng tốt hơn mong đợi lần đầu tiên trong năm nay. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italia đã giảm từ mức đỉnh điểm ở khoảng 8% xuống 6%, còn lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Tây Ban Nha giảm xuống mức dưới 5%. Thêm vào đó, những tiến triển cũng xuất hiện ở trung tâm của cuộc khủng hoảng là Hy Lạp, với thỏa thuận hoán đổi nợ giữa chính phủ nước này với các nhà tài trợ tư nhân nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ đã sắp đạt được.

Cuối tháng 12/2011, ECB đã cung cấp gần 500 tỷ euro (633 tỷ USD) các khoản vay lãi suất thấp 1% trong thời hạn 3 năm cho các ngân hàng ở Eurozone. Nguồn tiền này đã giúp làm giảm sức ép đối với các ngân hàng châu Âu và củng cố niềm tin của các thị trường. Sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh ngày 30/1 vừa qua, 25 trong số 27 nước thành viên EU đã nhất trí thông qua một hiệp ước nhằm đảm bảo những nguyên tắc về thâm hụt ngân sách và nợ công ngặt nghèo hơn. Đây là một bước quan trọng nhằm tăng cường sự hội nhập kinh tế và tài chính cũng như siết chặt vấn đề quản lý ở Eurozone, điều sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong việc ổn định tình hình tài chính, kiểm soát nợ công và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.


Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực vẫn chưa đủ để xua tan lo ngại của giới phân tích rằng cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone vẫn còn xa mới chấm dứt. Kinh tế châu Âu vẫn đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng trì trệ hoặc suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Eurozone sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, trong khi Hội đồng châu Âu đưa ra nhận định tương tự cho toàn bộ EU.


IMF dự báo Eurozone sẽ giảm 0,5% trong năm 2012 và có thể kéo toàn cầu rơi vào suy thoái. Các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã cam kết sẽ tập trung hơn nữa cho việc tạo việc làm và khôi phục tăng trưởng kinh tế.


Cơ quan thống kê của EU, Eurostat, vừa cho biết doanh số bán lẻ ở Eurozone trong tháng 12 vừa qua giảm 0,4% so với tháng 11 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008, thời điểm toàn cầu bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Doanh số bán lẻ giảm mạnh trong bối cảnh mức tăng trưởng kinh tế hiện là không đủ để tạo việc làm và ổn định thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã vọt lên mức cao kỷ lục 10,4% trong tháng 12, còn lạm phát giá tiêu dùng vẫn ở mức cao 2,7% tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1 vừa qua.


Liên quan đến vấn đề thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, tại cuộc họp không chính thức cuối tuần qua, các bộ trưởng phụ trách về năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế ở các nước EU đã nhất trí rằng cần phải khai thác tiềm năng tăng trưởng thông qua việc thiết lập một thị trường số chung để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể giao dịch trên Internet và sử dụng các giải pháp số xuyên biên giới. Theo nhận định, GDP của châu Âu có thể tăng 4% vào năm 2020 nếu các nước khai thác đầy đủ thị trường số chung.
Theo Lê Minh (TTXVN/Vietnam )
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.