Kết thúc cuộc họp thượng đỉnh hôm 30-1, các lãnh đạo châu Âu dù thông qua được hiệp ước mới với các quy định thắt chặt hơn về tài chính, nhưng hiệp ước không nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), không đưa ra được những biện pháp mới để cân bằng được tăng trưởng và nợ công, không nhắc đến kế hoạch ứng cứu tiếp theo cho Hy Lạp.

Bước tiến đến liên minh tài chính?


Cuộc họp vừa kết thúc tại Brussels là thượng đỉnh lần thứ 16 của các nước EU trong vòng 2 năm qua kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp lộ diện. Tại đó, lãnh đạo các nước EU đã đồng ý đẩy nhanh việc thành lập một quỹ ứng cứu chính thức trị giá 500 tỷ EUR (659 tỷ USD) vào tháng 7 năm nay, đồng thời tán thành một hiệp ước kiểm soát thâm hụt theo đề xuất của Đức và Pháp.


Các nhà lãnh đạo cũng đạt được những thỏa thuận về tăng trưởng và việc làm. Theo hiệp ước mới, các nước thành viên phải giữ ngân sách hàng năm không được thâm hụt nhiều hơn 0,5% GDP. Các quy tắc ngân sách cân bằng phải được quy định trong hệ thống pháp luật của các thành viên trong vòng 1 năm.


Nếu đi chệch khỏi quy tắc, tòa án tư pháp châu Âu sẽ phạt tiền 0,1% GDP đối với thành viên vi phạm, tiền phạt sẽ được dùng để ủng hộ cho Quỹ ổn định châu Âu (ESM).


Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi rất tin tưởng vào hiệp ước mới, cho rằng nó “sẽ củng cố niềm tin ở khu vực đồng EUR và là một bước đầu tiên tiến đến liên minh tài chính”.


Tuy nhiên, hiệp ước bị một bóng đen che phủ khi Tổng thống Sarkozy nói Pháp hoãn việc phê chuẩn đến sau cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 tới. Điều đáng lo là các cuộc khảo sát cho thấy ông Sarkozy nhiều khả năng sẽ thua cuộc.


Người đang được ủng hộ nhiều nhất, bà Francois Hollande của đảng Xã hội, lại có quan điểm phản bác hiệp ước, cho rằng nó sẽ đình trệ thêm nền kinh tế. Ngoài ra, hiệp ước nhiều khả năng phải đối mặt với các cuộc trưng cầu dân ý tại các nước thành viên trước khi được thông qua.


Một số khảo sát cho thấy nhiều người dân ở các nước châu Âu không muốn hiệp ước được thông qua, vì cho rằng hiệp ước vi phạm chủ quyền của đất nước trong các chính sách chi tiêu và thuế.


Khủng hoảng nợ châu Âu: Chưa thuốc đặc trị
Các lãnh đạo Pháp, Đức, Italia tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 30-1.

Dù được Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman van Rompuy ca ngợi hiệp ước đã “đạt được thành tựu lớn”, nhưng việc Anh và CH Czech quyết định đứng ngoài hiệp ước, trong khi Thụy Điển từ chối ký vào tuyên bố chung về tăng trưởng đang làm dấy lên nhiều quan ngại về sự chia rẽ của EU.


Không chỉ vậy, Thủ tướng Anh David Cameron còn cảnh báo sẽ khởi kiện các thành viên EU nếu họ sử dụng hiệp ước mới theo cách thức đe dọa đến các quyền lợi quốc gia của xứ sở sương mù. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ và sẽ hành động, bao gồm cả hành động pháp lý, nếu quyền lợi quốc gia của chúng tôi bị đe dọa” - ông Cameron nói.


Lo xa, bỏ gần


Các nhà phân tích chỉ trích hiệp ước mới chỉ đưa ra những nguyên tắc chung chung mà thiếu những điều khoản chi tiết về việc làm thế nào để cân bằng giữa tăng trưởng và vay nợ, cũng như không có các quyết sách cụ thể để giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện đã lên đến 21 triệu người.


“Quyết định đẩy nhanh một số biện pháp thị trường đơn lẻ là tốt nhưng sẽ ít có tác dụng trong việc ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt với người trẻ” - theo lãnh đạo đảng Fianna Fáil ở Ireland, ông Micheál Martin. Hiện đa số các nước thành viên EU có tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 20-30%.


Ngoài ra, điều thị trường mong đợi nhất là châu Âu sẽ ứng phó thế nào đối với nguy cơ vỡ nợ đến từ Hy Lạp lại không được nhắc đến trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua. Các nhà lãnh đạo châu Âu rời cuộc họp mà không đạt được sự đồng thuận nào về việc làm thế nào để ngăn chặn việc “lỗ đen” ngân sách của Hy Lạp đang ngày càng bành trướng.


Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cao giọng chỉ trích chính quyền Athens đã thất bại trong việc thực hiện cải tổ kinh tế. “Khả năng chịu đựng nợ của Hy Lạp cực kỳ kém” - bà Merkel nói với báo giới. Hiện Athens chỉ còn hơn 1 tháng để trả 14,5 tỷ EUR nợ đáo hạn vào ngày 20-3, hòng tránh một cuộc vỡ nợ và họ hoàn toàn phải dựa vào trợ giúp từ bên ngoài.


Thủ tướng Hy Lạp bày tỏ quyết tâm sẽ đạt được thành công trong việc đàm phán trợ giúp trong tuần này. Tuy nhiên, các chính phủ EU đang miễn cưỡng trong việc triển khai gói ứng cứu thứ 2, có thể trị giá 130 tỷ EUR cho Hy Lạp, đẩy các chủ nợ tư nhân đến tình cảnh có thể phải chịu thua lỗ hơn 69%.


Để đổi lại, Hy Lạp phải chấp nhận việc triển khai các chính sách khắc khổ nhiều hơn và phải cam đoan rằng Athens nhất định thực thi các chương trình khắc khổ, cho dù ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tới và thay thế chính phủ lâm thời của ông Papademos.


Trong khi đó, đề xuất của Đức trong việc thành lập một ủy ban giám sát Hy Lạp do EU chỉ định đang vấp phải phản ứng từ một số chính phủ EU. “Điều đó vi phạm quyền tự chủ của Hy Lạp. Hy Lạp là một nước có chủ quyền và phải thực hiện lời hứa của họ” - Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói.


Bên cạnh đó, giới đầu tư lại thêm nỗi lo mới đến từ sức khỏe của nền kinh tế Bồ Đào Nha. Quan ngại về việc EU có thể không giữ lời hứa tái cấu trúc Bồ Đào Nha đã đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm của nước này hôm 30-1 lên 17,39%, cao nhất kể từ khi EUR xuất hiện.


Dù vậy, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho nói rằng nợ công của nước này được EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là “ổn định hoàn hảo”, vì vậy tuyệt đối không có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu Bồ Đào Nha.

Theo Vĩnh Cẩm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh