17/01/2012 3:53 PM
Các nhà đầu tư đang lo lắng theo dõi thị trường, nếu xung đột nổ ra giữa Iran và phương Tây, giá dầu có thể tăng phi mã và đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế mong manh của toàn thế giới.

Ăn miếng trả miếng


Những ngày đầu tuần này Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner công du đến Trung Quốc và Nhật Bản để vận động hai nước này ủng hộ chính sách của Mỹ gia tăng sức ép tài chính nhằm buộc Iran phải ngừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong lúc đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng công du bốn nước Nam Mỹ, khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ, để tìm sự ủng hộ giữa lúc Iran ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.


Thứ Tư tuần trước (4-1-2012), Liên hiệp châu Âu (EU) công bố kế hoạch cấm các thành viên nhập khẩu dầu của Iran. Trước đó, vào ngày cuối năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành lệnh cấm mọi giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Iran, chủ yếu nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán dầu. Và trong những đề tài mà ông T. Geithner thảo luận với hai đối tác thương mại lớn nhất ở châu Á nổi bật lên yêu cầu Trung Quốc và Nhật Bản giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.


Đáp lại động thái của Mỹ và EU, nhiều quan chức cao cấp Iran tuyên bố nước này sẽ đóng eo biển Hormuz nếu bị cấm vận về dầu mỏ. Để tăng trọng lượng cho tuyên bố này, Iran công bố sẽ tiếp tục tổ chức thao diễn hải quân trên eo biển Hormuz ngay khi vừa kết thúc một cuộc thao diễn 10 ngày. Hãng tin AP dẫn báo chí chính thức của Iran cho biết, Tehran “sẽ không cho một giọt dầu nào đi qua eo biển Hormuz” nếu hoạt động xuất khẩu dầu của nước này bị cản trở. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, Mỹ sẽ không chấp nhận việc đóng eo biển Hormuz.


Không bên nào chịu nhượng bộ, đầu tuần này Iran công bố vận hành thêm một cơ sở làm giàu uranium thứ hai trong lòng núi gần thành phố Qum, đồng thời tuyên án tử hình Amir Murzai Hekmati, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ gốc Iran 28 tuổi vì cho rằng người này làm gián điệp cho CIA.


Cái khó của Trung Quốc và Nhật Bản


Lệnh cấm vận xuất khẩu dầu của Iran hầu như không ảnh hưởng tới Mỹ và EU vì hai nền kinh tế này có kho dự trữ dầu mỏ rất lớn và không mua nhiều dầu của Iran, trừ Ý; tuy nhiên để lệnh cấm vận có tác dụng, cần phải vận động được sự tham gia của Trung Quốc và Nhật Bản.


Tuy nhiên, cuộc thảo luận giữa ông Geithner với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm thứ Ba 10-1-2012 xem ra đã không mang lại kết quả đáng kể, và với Nhật Bản dự báo cũng tương tự. Hiện Trung Quốc mua đến 20% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran; Iran là mức cung cấp dầu lớn thứ ba cho Trung Quốc với hơn 25 triệu tấn dầu mỗi năm và con số này đang tăng nhanh. Nếu ngưng nhập khẩu từ Iran, Trung Quốc sẽ khó tìm được nguồn cung thay thế với số lượng tương ứng. Vả lại, một khi EU ngừng mua dầu của Iran, Trung Quốc sẽ được lợi vì có thể gây sức ép buộc Iran phải nhân nhượng về giá và các điều kiện thương mại. Nhật Bản cũng ở trong vị trí tương tự như Trung Quốc vì Nhật mua 17% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Iran.


Nếu eo biển Hormuz bị đóng

Gần đây, dự báo Mỹ và EU sẽ cấm vận dầu mỏ của Iran, cả Nhật và Trung Quốc đều tìm nguồn cung thay thế ở các nước xuất khẩu dầu khác như Nga, Việt Nam, Tây Phi, Iraq và Saudi Arabia để bù vào. Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga và Việt Nam gần như không thể tăng thêm nữa, còn dầu của Iraq và Saudi Arabia phải vận chuyển qua eo biển Hormuz - nghĩa là có nguy cơ bị tắc nếu xung đột Mỹ-Iran lan rộng.


Trong thực tế, lượng dầu mà Trung Quốc mua của Iran đã giảm xuống trong tháng 12-2011 với mức giảm 15.000 thùng/ngày, tương đương 3% lượng dầu mà Trung Quốc mua của Iran. Những người có trách nhiệm ở Bắc Kinh nói việc giảm sút này là do giữa hai bên chưa đồng thuận được về giá cả song giới phân tích phương Tây cho rằng có phần do áp lực của Mỹ. Đạo luật cấm buôn bán với Iran mà Tổng thống B. Obama mới ban hành có điều khoản cấm hoạt động trên thị trường tài chính Mỹ các tổ chức tài chính nước ngoài có giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran; để được miễn thi hành điều khoản này các nước phải cắt giảm đáng kể việc nhập khẩu dầu của Iran. Đạo luật này áp đặt sức ép nặng nề lên các tổ chức tài chính đang tài trợ cho các hợp đồng buôn bán dầu của Trung Quốc tại Iran.


Iran cung cấp ra thị trường thế giới mỗi ngày khoảng 2,5 triệu thùng dầu thô. Thị trường dầu thế giới vốn đã khan hiếm nguồn cung sau khi các mỏ dầu ở Libya phải ngừng hoạt động vì nội chiến, đẩy giá dầu lên mức 100 đô la Mỹ/thùng hiện nay, nếu dòng dầu của Iran bị tắc thì theo giới phân tích, giá dầu có khả năng tăng cao hơn nữa.


Tình hình sẽ còn bi thảm hơn nếu eo biển Hormuz bị đóng như lời đe dọa của Iran. Eo biển Hormuz nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman trên biển Ảrập, chỗ hẹp nhất chỉ 35 ki lô mét, được coi là “điểm tắc” (choke point) quan trọng nhất của dòng dầu mỏ thế giới. Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 15,5 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển này, tương đương 35% lượng dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển và 20% tổng sản lượng dầu toàn thế giới. Dầu và khí đốt sản xuất tại các nước Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và UAE phải đi qua eo biển Hormuz để đến các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.


Iran có khả năng quân sự để phong tỏa eo biển này, bằng cách gài mìn, ném bom hoặc phá hoại và mới đây Tư lệnh Lực lượng vệ binh Cộng hòa Iran Ali Ashraf Nouri nói rằng lãnh đạo cấp cao nhất của nước này đã quyết định đóng eo biển Hormuz nếu bị phương Tây cấm vận xuất khẩu dầu. Các thương nhân cho rằng, nếu điều đó xảy ra, giá dầu sẽ lập tức vượt ngưỡng 150 đô la Mỹ/thùng cho dù một phần dầu mỏ vùng vịnh Ba Tư, thay vì đi qua eo biển Hormuz, có thể được chuyển qua các đường ống dẫn dầu khổng lồ của Saudi Arabia, Iraq và UAE ra Hồng Hải để đến các thị trường tiêu thụ. Chi phí vận tải sẽ tăng lên.


Tuy cho rằng rất ít có khả năng Iran làm như vậy, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn trấn an thị trường khi tuyên bố hạm đội số 5 của Mỹ đóng tại Bahrain gần đó sẵn sàng bảo vệ con đường hàng hải qua eo biển Hormuz. Mới đây, Anh Quốc cũng quyết định điều động một số tàu chiến hiện đại đến vùng vịnh Oman để sẵn sàng bảo vệ tuyến đường chiến lược này.


Báo New York Times nhận định cuộc khủng hoảng ở eo biển Hormuz có thể kích hoạt một sự liên kết chống lại Iran; Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác để khai thông tuyến đường hàng hải huyết mạch này dù Trung Quốc thích biện pháp ngoại giao trong chốn riêng tư hơn là dùng sức mạnh quân sự như Mỹ. Đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ ở vùng vịnh Ba Tư, đóng eo biển Hormuz là điều không chấp nhận được. Sadad Ibrahim Al-Husseini, nguyên phụ trách bộ phận thăm dò và phát triển của tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia nói rằng: “Đóng eo biển Hormuz là hành động chiến tranh chống lại toàn thế giới. Không thể đùa cợt với kinh tế toàn cầu và nghĩ rằng sẽ không ai phản đối”.


Xem ra, đối đầu giữa Iran và phương Tây đang kích hoạt một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới, và đó là điềm xấu cho kinh tế thế giới trong những ngày đầu năm mới 2012.

Theo Huỳnh Hoa (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland