13/06/2015 7:25 AM
Vụ khiếu kiện liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc Dự án thoát nước, cải tạo môi trường mương II (thuộc phường Bưởi và Thụy Khuê, quận Tây Hồ) diễn ra trong một thời gian dài nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, khiếu kiện vượt cấp kéo dài đã làm chậm tiến độ chung của dự án.

Vì sao khiếu kiện kéo dài?

Ngày 7-7-2000, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 635/QĐ-TTg về việc giao đất cho Ban Quản lý dự án công trình giao thông công chính (Sở Giao thông công chính - nay là Sở Giao thông vận tải Hà Nội) thực hiện Dự án thoát nước giai đoạn II. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ tập trung GPMB. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, do gia đình bà Nguyễn Minh Phượng (số nhà 31, ngõ 282, phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê) liên tục có đơn khiếu nại về phương án bồi thường.

Căn nhà 5 tầng màu vàng của gia đình bà Phượng nằm trong diện bị cắt xén giải phóng mặt bằng.

Qua tìm hiểu, năm 2001, vợ chồng bà Nguyễn Minh Phượng nhận chuyển nhượng hai ngôi nhà gắn liền diện tích đất của hai người: Một là bà Nguyễn Thị Bích Phương cùng chồng là ông Linh Quang Phán (diện tích 25,7m2). Diện tích đất có nguồn gốc sử dụng như sau: Năm 1989, bà Nguyễn Thị Bích Phương, ông Linh Quang Phán được Bộ Tư lệnh Công binh cấp một gian nhà, diện tích 16m2 tại khu tập thể Công binh ở ngõ 258 Thụy Khuê (nay là ngõ 282 Thụy Khuê). Gia đình bà Phương, ông Phán đã lấn chiếm phần diện tích đất trống ở gần khu chuồng lợn cũ của khu tập thể để xây dựng bếp và công trình vệ sinh. Tại thời điểm gia đình bà Phương xây dựng, Bộ Tư lệnh Công binh và UBND phường Thụy Khuê không lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng. Năm 2001, vợ chồng bà Nguyễn Minh Phượng nhận chuyển nhượng khu nhà, đất này bằng hình thức giấy viết tay, không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ khi hai bên chuyển nhượng nhà cho nhau đến nay, công trình xây dựng vẫn nguyên hiện trạng, không sửa chữa, xây dựng thêm. Bà Phượng cũng nhận chuyển nhượng nhà ở gắn liền diện tích 46,1m2 đất của ông Thịnh (nay giáp với đường ven Hồ Tây nằm trên phố Trích Sài) bằng hình thức giấy viết tay, không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngày 20-6-2008, UBND quận Tây Hồ cấp sổ đỏ cho hộ gia đình bà Phượng đối với diện tích nhà, đất này.

Năm 2006, UBND TP Hà Nội phê duyệt Dự án đầu tư công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - giai đoạn II. Hai căn nhà ở gắn liền với đất của bà Phượng có một phần diện tích bị thu hồi, cụ thể: Tổng diện tích đất trong chỉ giới GPMB thu hồi là 22,9m2/87,5m2 đất, cộng với tài sản trên đất là ngôi nhà 5 tầng khung bê tông cốt thép diện tích xây dựng chiếm đất là 46,1m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 305,65m2, thêm các khoản bồi thường khác, gia đình bà Phượng sẽ được nhận tổng tiền bồi thường hơn 340 triệu đồng.

Ngay khi có phương án bồi thường, bà Nguyễn Minh Phượng đã không đồng ý. Trong đơn gửi tới Báo Hànộimới, bà Phượng cho rằng: "UBND quận Tây Hồ, UBND phường Thụy Khuê và Ban Bồi thường GPMB quận đã cố tình xác nhận sai về nguồn gốc sử dụng đất của gia đình. Việc xây dựng phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với hộ gia đình tôi không đúng quy định". Cụ thể, năm 2007, Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng mới bàn giao nhà đất tại khu tập thể nêu trên cho UBND phường quản lý.

Trong khi, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND thành phố ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội tại khoản 1, Điều 31 có nêu: "Nhà ở và công trình xây dựng có phép; nhà ở và công trình xây dựng không phép trước ngày 1-7-2004 trên đất có đủ điều kiện được bồi thường tại Điều 7 quy định này của hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng 100% đơn giá xây dựng mới do UBND thành phố ban hành" và tại điểm a, khoản 1, Điều 7 có nêu: Đất có đủ điều kiện được bồi thường là "đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". "Áp dụng quy định trên, gia đình tôi xây dựng nhà vào năm 2003; về việc này có tài liệu xác nhận sử dụng nhà, đất từ năm 1990 và đất đã được cấp sổ đỏ năm 2008; tôi đã xuất trình và cung cấp cho UBND quận Tây Hồ nhưng không được xem xét" - bà Phượng khẳng định.

Bà Phượng cho biết thêm, liên quan đến việc bồi thường, ngày 26-8-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản số 1632/BC-STNMT-TTr gửi UBND thành phố, trong đó có nội dung kiến nghị: "Chỉ đạo Phòng TN&MT quận, UBND phường Thụy Khuê hướng dẫn thủ tục, hoàn thiện hồ sơ trình UBND quận xem xét công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho bà Phượng đối với diện tích nhà nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Bích Phương ở sát liền kề tại ngõ 282 Thụy Khuê và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nội dung kiến nghị trên của Sở TN&MT được UBND thành phố chấp thuận và giao UBND quận Tây Hồ, trên cơ sở kết quả kiểm tra, giải quyết lại theo quy định của pháp luật; xử lý, khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý nhà đất tại khu tập thể Bộ Tư lệnh Công binh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà Phượng.

Sẽ không để người dân chịu thiệt

Để làm rõ vụ việc trên, chúng tôi đã làm việc với UBND phường Thụy Khuê, Ban Bồi thường GPMB quận Tây Hồ. Trả lời những thắc mắc của gia đình bà Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê Vũ Bá Đông cho biết: Phường chỉ cung cấp số liệu, còn phương án bồi thường thế nào là trách nhiệm của quận và Ban Bồi thường GPMB quận. Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Phó Trưởng ban Bồi thường GPMB quận cho biết, theo hồ sơ GPMB, tổng diện tích đất gia đình bà Phượng sử dụng là 87,5m2. Ngày 20-6-2008, gia đình bà Phượng đã được UBND quận Tây Hồ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất với diện tích 41,2m2. Trong số 22,9m2 nằm trong chỉ giới GPMB thì ngoài 3,4m2 đất ở được cấp giấy chứng nhận và 0,8m2 đất không được cấp giấy chứng nhận còn có 11,7m2 đất nằm ngoài diện tích do Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND phường thuộc khuôn viên khu tập thể; 1,1m2 đất lấn chiếm ra chỉ giới GPMB dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây; 1,6m2 đất lấn ra mương Thụy Khuê; 4,3m2 đất thuộc phạm vi đất do bà Nguyễn Thị Bích Phương lấn chiếm đất công của khu tập thể từ năm 1989. Công trình nhà 5 tầng kiên cố xây dựng không phép vào tháng 3-2004, có văn bản ngăn chặn. Từ nguồn gốc sử dụng đất và xây dựng công trình nêu trên, UBND quận Tây Hồ đã phê duyệt phương án đối với hộ gia đình bà Phượng tại Quyết định số 1862/QĐ-UBND ngày 27-6-2014, cụ thể: Phần diện tích 3,4m2 đất ở được cấp giấy chứng nhận và 0,8m2 đất không được cấp giấy chứng nhận (bồi thường 100%), phần diện tích đất có nguồn gốc lấn chiếm (không bồi thường, hỗ trợ); phá dỡ công trình vật kiến trúc được hỗ trợ 10% theo đơn giá.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc áp mức giá bồi thường 10% đối với công trình nhà 5 tầng chỉ vì xây dựng không phép, ông Lê Văn Thành cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mức bồi thường này không dựa trên lý do xây dựng không phép mà do công trình vi phạm vào mốc giới GPMB của Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn II. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi nhà này được xây dựng năm 2003, trước thời điểm UBND thành phố có quyết định phê duyệt dự án.

Cụ thể là ngày 28-9-2006, UBND TP Hà Nội mới ra Quyết định số 4315/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - dự án II và đến tháng 2-2009 thì UBND quận Tây Hồ mới tổ chức công khai và thực hiện công tác GPMB. Thêm vào đó, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 47/QĐ-XD, ngày 1-4-2004 của UBND phường Thụy Khuê không nêu căn nhà này xây dựng vi phạm vào mốc giới GPMB của Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn II…

Có thể thấy, mấu chốt của khiếu kiện xuất phát từ những yếu tố do lịch sử để lại. Những sai phạm của người dân trước kia (mua bán nhà đất trao tay, xây dựng nhà không phép) không được các cấp chính quyền ở địa phương xử lý kiên quyết, kịp thời dẫn đến vụ việc ngày càng phức tạp. Còn khiếu kiện, Dự án thoát nước mương II tiếp tục bị kéo dài và để giải quyết vấn đề này cần có sự đồng thuận, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Văn Thành cho biết, Dự án thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội - giai đoạn II là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Trong công tác đền bù GPMB chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót. "Nếu có sai, có thiếu sót trong công tác này, khi có đầy đủ hồ sơ chứng minh, chúng tôi sẽ bổ sung, không để người dân chịu thiệt" - ông Thành nhấn mạnh.

Nhóm PV (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.