Treo gần 20 năm, phá nát quy hoạch ban đầu
Dự án KCN Phong Phú thuộc địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, phía Đông giáp Hương lộ 7, phía Tây giáp sông Cần Giuộc, phía Nam là ruộng lúa xã Phong Phú và các rạch nhỏ, phía Bắc giáp đường Nguyễn Văn Linh. Mục tiêu của dự án là xây dựng, phát triển và kinh doanh cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích trong KCN tại Khu đô thị (KĐT) mới Nam Sài Gòn (Saigonnic), để thúc tiến độ di dời các nhà máy ra ngoại thành.
Dự án KCN Phong Phú rộng 1.480.000m2, tổng vốn đầu tư 1.057 tỷ đồng, do CTCP KCN Phong Phú làm chủ đầu tư. Công ty Phong Phú thành lập ngày 4-6-2001 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Đến năm 2007, công ty tăng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng. Lúc đó, cổ đông lớn nhất của Phong Phú là CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), chiếm 70% vốn điều lệ (tương đương 175 tỷ đồng). Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) góp 25% vốn và Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) giữ 5% còn lại. Liên danh này ban đầu dự tính đầu tư 1.129 tỷ đồng và thu về khoản lợi nhuận gộp 525 tỷ đồng từ dự án.
Đến năm 2011, BCI do ông Trầm Bê làm Chủ tịch HĐQT đã nhượng lại toàn bộ 70% cổ phần ở Công ty Phong Phú với giá 607 tỷ đồng cho Saigonnic. Xét về hiệu quả kinh tế, đây là mức giá các cổ đông của BCI không đến nỗi thiệt thòi. Tuy nhiên, sau khi về tay Saigonnic, số phận của dự án KCN Phong Phú rẽ theo một hướng khác.
Đến ngày 8-8-2017, cơ cấu cổ đông của Công ty Phong Phú gồm ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Phong Phú, chiếm 2% vốn điều lệ; Công ty TNHH BĐS Hoa Phát nắm giữ 23%, Sadeco nắm 70% vốn và IPC giữ 5% còn lại. Theo dữ liệu ĐTTC có được, từ đầu năm 2012 tới cuối năm 2016, khu đất dự án KCN Phong Phú đã bị phân lô làm hàng chục mảnh, mang đi thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam và sau này là Sacombank để vay vốn, hoặc bảo đảm nghĩa vụ cho một bên thứ 3.
Quang cảnh KCN Phong Phú 20 năm qua đến nay vẫn là bãi đất trống. Ảnh: M.Tuấn
Đây là nguyên nhân lý giải vì sao dự án KCN Phong Phú lại được Sacombank đưa ra đấu giá vào cuối năm ngoái, sau khi ông Dương Công Minh ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank. Trong bản tin của Sacombank phát đi cuối tháng 10-2018 về thông tin BĐS cần bán ở huyện Bình Chánh, Sacombank mô tả tài sản cần đấu giá là quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại dự án KCN Phong Phú có quy mô 134ha, trong đó 67ha đất KCN, 67ha đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp là nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện... KCN Phong Phú đã thực hiện đền bù quỹ đất diện tích 120,2ha, phần còn lại khoảng 13,8ha chưa đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho 201 hộ dân.
Sacombank khẳng định, KCN Phong Phú có thời hạn sử dụng 50 năm, nằm liền kề KĐT Phú Mỹ Hưng, cách giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1A 3,7km, cách giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50 khoảng 3km. Tuy nhiên, đến nay KCN Phong Phú vẫn là bãi đất trống. Vào sâu trong khu đất mới thấy tấm bảng nhỏ bằng tôn ghi dòng chữ KCN Phong Phú. Cả khu đất rộng bạt ngàn không một bóng người, chỉ toàn cỏ hoang, chưa xây dựng được bất cứ hạng mục nào.
Đang tranh chấp vì đấu giá có chữ ký giả
Cho đến thời điểm hiện nay, UBND TPHCM đã có chỉ đạo tạm ngưng đấu giá, và yêu cầu Chánh Thanh tra TP tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện dự án KCN Phong Phú. Đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ông Đặng Minh Quân, Phó chánh thanh tra Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị CTCP Dịch vụ đấu giá Toàn Cầu báo cáo, và gửi hồ sơ đấu giá liên quan đến việc đấu giá tài sản là quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại dự án KCN Phong Phú. Sở dĩ có yêu cầu này do Thanh tra Bộ Tư pháp nhận được đơn của Công ty TNHH BĐS Hoa Phát, tố cáo CTCP Dịch vụ đấu giá Toàn Cầu vi phạm pháp luật trong việc tổ chức đấu giá tài sản của dự án KCN Phong Phú.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận Công văn 2330/UBND ngày 4-9-2018 của UBND huyện Bình Chánh đề nghị dừng việc đấu giá do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong.
Bà Trần Thị Thủy, thành viên HĐQT Công ty Hoa Phát, cho biết bà không hề biết việc vay nợ hay dùng tài sản KCN Phong Phú bảo đảm nghĩa vụ vay nợ cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Vì thế bà đã bất ngờ khi biết thông tin CTCP KCN Phong Phú ủy quyền cho Sacombank bán đấu giá KCN này lại có chữ ký của mình.
Khi trích lục hồ sơ ủy quyền này ở Văn phòng Công chứng Nguyễn Kim Chi, xem biên bản họp HĐQT CTCP KCN Phong Phú ngày 8-8-2017, bà Thủy khẳng định không tham gia cuộc họp đó và cũng không được thông báo hay ký vào biên bản cuộc họp. Hơn nữa, từ ngày 17-9-2014, bà Thủy không còn là người đại diện pháp luật, tham gia hoạt động Công ty Hoa Phát, nên việc được mời đi họp và ký vào biên bản họp ngày 8-8-2017 không thể xảy ra.
“Tôi khẳng định, chữ ký đứng tên bà Trần Thị Thủy trong biên bản họp HĐQT CTCP KCN Phong Phú ngày 8-8-2017 là giả mạo” - bà Thủy nói.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Sacombank cho biết Hợp đồng ủy quyền (số 004042 ngày 18-8-2017) giữa Sacombank và CTCP KCN Phong Phú được ký kết dựa trên cơ sở Biên bản họp HĐQT (số 01/BB.PPIP.HĐQT.2017 ngày 11-8-2017) của Công ty Phong Phú.
Theo biên bản này, cuộc họp diễn ra có 3/4 thành viên HĐQT đại diện sở hữu 77% vốn điều lệ của công ty, thực hiện thông qua việc ủy quyền cho Sacombank toàn quyền định đoạt, quyết định các biện pháp xử lý đối với tài sản là quyền phát sinh từ việc đền bù tại dự án KCN Phong Phú, nhằm mục đích thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ của công ty tại Sacombank, hoặc của bên thứ 3 do bên công ty đảm bảo.
Tuy nhiên, sau đó Sacombank xác nhận có nhận được bản photo biên bản về việc đề nghị hủy bỏ hợp đồng ủy quyền giữa CTCP KCN và Sacombank ngày 18-8-2017, nhưng Sacombank chỉ làm nội dung tham khảo. Bởi việc ký kết giữa các bên dựa theo biên bản 01, chứ không phải trên cơ sở biên bản HĐQT có chữ ký giả mạo của bà Thủy.
Trước đó, ngày 24-10-2018, Thanh tra Bộ Tư pháp có công văn gửi CTCP Dịch vụ đấu giá Toàn Cầu và Sacombank, đề nghị 2 đơn vị thận trọng, xem xét và cân nhắc để tạm dừng tổ chức đấu giá tài sản là dự án KCN Phong Phú, không để khiếu nại, khiếu kiện, nguy cơ trở thành điểm nóng tiếp theo về đất đai tại TPHCM phát sinh từ việc đấu giá tài sản.
-
Lộ hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai của Sagri
CafeLand - Nhiều khu đất được Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) giao cho các đối tác, trong đó có Tổng công ty cổ phần Phong Phú và Tập đoàn Trung Thủy khi chưa được cơ quan chủ quản là TP.HCM chấp thuận.
-
Quy hoạch khu Đồng Mai: Liên tục xin điều chỉnh, 10 năm vẫn chưa xong
CafeLand - UBND TP. Hà Nội vừa có Quyết định số 2611/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000. Trước đó, tháng 8/2013, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai tỷ lệ 1/2000. Và hiện chủ đầu tư Công ty Phong Phú vẫn đang tiếp tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
-
Bắc Giang sắp đấu giá 187 lô đất, giá khởi điểm thấp nhất hơn 1,1 tỷ đồng
187 lô đất tại huyện Lục Ngạn và thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang sẽ được đưa ra đấu giá quyền sử dụng trong ngày 27 và 28/12.
-
Đà Nẵng đấu giá đất “vàng” đường Bạch Đằng với giá khởi điểm hơn 889 tỷ đồng
Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng đã có thông báo về việc đấu giá đất “vàng” trên đường Bạch Đằng với giá khởi điểm hơn 889 tỷ đồng.
-
Thị trường đất đấu giá có diễn biến mới
Thời gian gần đây, thị trường đất đấu giá tại một số tỉnh Bình Định, Quảng Trị đã có tín hiệu phục hồi, số lượng khách hàng trúng đấu giá quyền sử dụng đất tăng cao.