Suốt nhiều năm liền, ông Minh và ông Phước khiếu nại để được vẽ thành hai bức tường, ghi thành “tường riêng” theo đúng hiện trạng, nhưng không cấp nào giải quyết. Và bất ngờ hơn, việc các ông xin mua “bức tường” đã bị biến thành xin mua “khe lún”!
Tại văn bản số 963/UBND ngày 30/9/2009, ông Hà Phước Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 3 trả lời ông Minh rằng “nhà phố chung, do kết cấu cột, đà, sàn đồng bộ chung cả khối, khi tính diện tích bán căn hộ trên đều là tường chung”.
Không đồng ý với cách lý giải này, các hộ dân yêu cầu Sở Xây dựng xuống đo vẽ lại. Ngày 28/12/2009, Đoàn cán bộ xuống xác định: Nhà ông Minh “thuộc dãy nhà khối A có một khe nhiệt, hệ thống cột, đà, tường: có 2 cột, 2 đà và xây dựng 2 tường”. Tiếp đó, ngày 28/10/2010, Đoàn cán bộ liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì lại xuống nhà ông Minh để khảo sát và kiểm tra kích thước thực tế. Trong biên bản ghi rõ “Giữa 2 nhà số 116/11A và 116/12A là khe co giãn, có 2 tường, 2 cột, 2 đà”.
Tuy vấn đề đã rõ, song ngày 30/3/2011, ông Hà Phước Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 3 lại có văn bản số 271/UBND trả lời ông Minh rằng: “Không bán riêng cho các hộ phần diện tích tường nằm giữa hai căn nhà số 116/11A và 116/12A, vì đây là khe lún của khối nhà”. Ngoài ra trong văn bản này còn ghi rõ: “Không bán các phần diện tích: đất hiên nhà, diện tích mở rộng liền kề phía sau các căn hộ, diện tích nhà để xe của các hộ xây dựng trên phần sân chung, diện tích sân chung và trạm điện chung”.
Ông Nguyễn Xuân Minh bức xúc cho biết: ông không hề có lá đơn nào xin mua “khe lún”, cũng như không hề có lá đơn nào xin mua “nhà để xe” và “trạm điện chung”. “Tôi đâu có bị khùng. Tôi xin mua bức tường của nhà tôi tiếp giáp với khe lún. Các hộ đầu hồi đằng kia cũng được mua tường này và ghi trong sổ hồng là tường riêng. Tôi xin mua phần diện tích hè 3,15m2 và phần đất mở rộng phía sau 5,48m2, nó nằm sẵn trong nhà tôi. Phần đất phía sau vốn là khoảng trống người ta qua đường hay vứt rác vào, thậm chí con nghiện cứ nhảy qua tường vào hút, chích nên các hộ bảo nhau nhà ai nấy quây lại”.
Ông Nguyễn Xuân Minh còn sống đã đành. Còn ông Ong Quang Phước không chờ được quyết định giải quyết khiếu nại, đã qua đời ngày 27/1/2012. Bà Đoàn Thị Tư, vợ ông Ong Quang Phước cho biết, lúc ông Phước còn sống, UBND thành phố không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại dù đã quá 100 ngày chờ đợi.
Hai năm rưỡi sau khi chồng bà mất, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ban hành văn bản 4240/UBND-PCNC ngày 26/8/2014 trả lời bà có nội dung “Do ông Ong Quang Phước đã chết vào tháng 1 năm 2012 nên Ủy ban nhân dân Thành phố không ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại cho ông Ong Quang Phước”. “Vô cảm! Tới thời hạn thì phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại chứ! Vợ và con ông Phước vẫn còn sống chứ đã chết đâu! Họ còn gửi văn bản ra Bộ Xây dựng và bảo là nhà tôi xin mua khe lún, trạm điện chung và nhà để xe nữa đấy. Chúng tôi đâu có bị điên”- bà Tư , vợ ông Ong Quang Phước bức xúc.
Câu chuyện cái khe lún và diện tích chung đã được Sở Xây dựng báo cáo Bộ Xây dựng. Trong văn bản 1289/BXD-QLN ngày 3/8/2011 trả lời Sở Xây dựng TP.HCM về một số nội dung liên quan đến số nhà 116/11A Trần Quốc Toản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: công văn của Sở Xây dựng TP.HCM chưa thể hiện rõ những nội dung mà Sở Xây dựng đã nêu. Bộ Xây dựng chỉ trả lời về mặt nguyên tắc như sau: “Đối với phần diện tích khe lún thì không thực hiện bán vì đây là diện tích chung để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của khối nhà ở”
Bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại số nhà 116/5A cho biết: “Chúng tôi có thắc mắc về việc một số khu tập thể khác cùng của Cơ quan T78 như số 89,91,109,113,114 đường Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3, phần diện tích chung đều được thu tiền sử dụng đất của các hộ và ghi là diện tích sử dụng chung, còn khu 116 này thì không. Ngoài ra, họ còn được đo, vẽ và bán nhà theo hiện trạng, nên việc chúng tôi xin mua phần đất hè và phần mở rộng phía sau nằm trong khuôn viên nhà là nguyện vọng chính đáng, như các nơi khác. Vậy mà họ lại bảo chúng tôi xin mua trạm điện chung, nhà để xe...Chúng tôi nói con gà, họ trả lời con vịt! Nhà ông Minh và bà Tư xin mua tường họ bảo mua khe lún đó thôi!”
“Gà” hay “vịt”?
Khu tập thể 116 Trần Quốc Toản phường 7, quận 3, TP.HCM có diện tích khuôn viên 2687,4 m2, gồm 47 căn hộ, có diện tích xây dựng nhà ở của 47 hộ là 1.671,61 m2, tổng diện tích sử dụng của 47 hộ là 3.099,39 m2 được ông Nguyễn Quang Lâm, Phó trưởng Ban Tài chính – Quản trị Trung ương Đảng ký bàn giao cho UBND TP.HCM quản lý tại quyết định số 165QĐ/BTCQTTW từ 24/10/2006.
Sau khi tiếp quản, thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành giám định công trình. Ngày 28/11/2008, ông Nguyễn Văn Danh, ủy viên thường trực Hội đồng bán nhà thành phố ký văn bản số 1283/HĐBNƠ.TP báo cáo UBND thành phố Hồ Chí Minh: khu tập thể này có 59 hộ, gồm 2 khối nhà. Khối A gồm 19 căn là nhà liên kế, 4 căn đầu hồi là nhà chung cư. Khối B là nhà chung cư. 52 hộ đã được cấp giấy hồng, 7 hộ không đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định 61/CP.
Trong đơn kiến nghị tập thể ngày 28/8/2008, các hộ dân có đề nghị được xem xét và giải quyết: Dãy nhà A (nhà liên kế) – các hộ có nhà 2 tầng được mua: Diện tích hiên tầng 1 phía trước nhà, diện tích ban công tầng 2, diện tích nhà, đất mở rộng liền kề phía sau. Dãy nhà B và một số hộ dãy A dạng chung cư, các hộ tầng 1 được mua hiên nhà phía trước, phần nhà, đất đã mở rộng về phía sau. Các hộ tầng 2, ngoài diện tích nhà ở, đất ở được mua theo nhà chung cư, các hộ này được mua diện tích nhà đất để xe máy do cơ quan T78 làm và cấp cho các hộ. Diện tích còn lại, diện tích sân chung: được công nhận là diện tích sử dụng chung, được bán và có thu tiền sử dụng đất các hộ trong khu tập thể 116 Trần Quốc Toản.
Để trả lời đơn kiến nghị tập thể ngày 28/8/2008 của các hộ dân, cũng tại văn bản số 1283/HĐBNƠ.TP ngày 28/11/2008, ông Nguyễn Văn Danh có trích ý kiến của một người đại diện T78 với nội dung: “Cơ quan T78 không bàn giao các diện tích đất ở hiên nhà của các căn hộ, đất phía sau mở rộng của từng căn hộ và toàn bộ diện tích sân chung, nhà để xe, trạm điện chung cũng không bàn giao về cho Ủy ban nhân dân quận 3 quản lý. Do vậy, cơ quan T78 đề nghị Hội đồng bán nhà ở thành phố và Ủy ban nhân dân quận 3, Hội đồng bán nhà ở quận 3 không giải quyết bán nhà ở cho các hộ đối với phần diện tích mà Cơ quan T78 không bàn giao cho Ủy ban nhân dân quận 3 quản lý. Bởi vì, bên dưới đất hành lang trước các căn hộ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, nước chung của toàn khu nhà 116 đường Trần Quốc Toản; Còn phần đất phía sau của các căn hộ, theo giấy phép xây dựng đó là khoảng trống để thông thoáng chung của toàn khu vực, nay các hộ tự lấn chiếm; Đối với nhà để xe máy, không có cấp phép xây dựng, do các hộ tự đóng tiền mua vật tư, tự xây dựng. Nên cơ quan T78 không bàn giao cho Ủy ban nhân dân quận 3 quản lý”. Căn cứ vào ý kiến quan trọng này, Hội đồng bán nhà ở thành phố quyết định không bán cho các hộ những nội dung theo đơn kiến nghị.
Điều lạ lùng là, ý kiến của vị đại diện T78 trong văn bản của ông Nguyễn Văn Danh lại trái ngược hẳn với quyết định chuyển giao khu tập thể 116 Trần Quốc Toản do ông Nguyễn Quang Lâm ký ngày 24/10/2006 và trái hẳn với quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo T78. Cụ thể là, ngày 6/11/2008, ông Hồ Văn Đức – Bí thư Đảng bộ, kiêm Cục trưởng Cục Quản trị T78, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Đẳng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó văn phòng Trung ương phụ trách phía Nam, đã có bút phê chỉ đạo ông Trương Văn Quyên thay mặt Cục T78 đi dự họp với các Ban, ngành chức năng của Thành phố và quận 3. Ông Hồ Văn Đức bút phê quan điểm giải quyết như sau: “Cục Quản trị T78 đã chuyển giao toàn bộ cho thành phố để hóa giá khu nhà 116 Trần Quốc Toản. Việc hóa giá là do tính bán theo quy định của Nhà nước, nhất trí với các phương án của Hội đồng hóa giá nhà thành phố. Đối với các hộ bán giá cao, đề nghị tiếp tục bán, không dừng lại. Quy hoạch khu vực T78 đã được Ban Bí thư thông qua, đang chờ phê duyệt chính thức của thành phố, của quận, sau đó mới triển khai, không ảnh hưởng đến việc giải quyết hóa giá khu 116 theo đề nghị trước đây”.
Nhận thấy việc giải quyết những kiến nghị theo đơn không được đáp ứng, ngày 15/11/2008, trong đơn tập thể gửi Hội đồng bán nhà quận 3, các hộ dân viết: “4 khu tập thể là 89, 91, 113, 114 do Hội đồng bán nhà thành phố giải quyết thì – Vườn chuối, chuồng heo, nhà bếp...đều được bán và công nhận sở hữu riêng cho từng gia đình, thậm chí có gia đình xây cất bất hợp pháp trên đất công, xây lấn hẻm không giấy phép cũng được bán – Sân chung, lối đi chung cũng được bán và công nhận sở hữu chung cho các hộ trong các khu tập thể đó. Nhưng khu tập thể số 116 thì Công ty Dịch vụ Công ích quận 3 và Hội đồng bán nhà quận 3 giải quyết khác hẳn với 4 khu tập thể nêu trên...Một số cán bộ thuộc cơ quan chức năng có thẩm quyền của Quận 3 và Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng T78 chỉ bàn giao 2 dãy nhà mà không bàn giao khuôn viên đất và đã giải quyết như đã bán (sân chung không bán) là không đúng”
Không dừng lại, ngày 9/10/2009, ông Nguyễn Xuân Minh có đơn phản đối công văn 1283/HĐBNƠTP ngày 28/11/2008 do ông Nguyễn Văn Danh ký. Trong đơn ông Minh viết: “…đại diện Văn phòng Trung ương Đảng (T78) là ai? Tên, tuổi, cấp bậc, chức vụ của người này là gì? - Không có....Mặc khác, như căn hộ nhà tôi được cấp sổ chủ quyền...từ ngày 14/5/2008. Nhưng đến ngày 21/10/2008 Hội đồng bán nhà ở TP.HCM mới tổ chức cuộc họp thì sự can thiệp của vị Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng (T78) có ý nghĩa gì? Đây là một vở kịch mà nội dung chẳng ra gì?...”. Ông Minh còn chỉ rõ: Vị đại diện T78 được trích trong văn bản của ông Danh là một người “ngoài hành tinh”, vì bên dưới đất hè trước các căn hộ không hề có hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, nước chung của toàn khu tập thể.
Trao đổi với phóng viên, ông Minh còn cho biết: Thật nực cười, căn nhà số 10A và 13A trong khu tập thể chúng tôi bán theo cơ chế thị trường thì được bán cả: cầu thang, ban công, tường vệ sinh, thậm chí cả cái hiên đằng trước và phần đất mở rộng phía sau đấy.
Cuối cùng, sau nhiều năm đấu tranh tập thể và cá nhân, các hộ dân chỉ được cán bộ địa phương giải quyết bằng cách cập nhật diện tích sàn xây dựng (không đầy đủ) vào sổ hồng. Những vấn đề khác không được giải quyết. Mặc dù, theo thống kê sơ bộ, các cơ quan đã gửi 144 văn bản dấu đỏ trả lời ông Nguyễn Xuân Minh. Thậm chí Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đã có 13 văn bản gửi các cơ quan chức năng đôn đốc giải quyết những khiếu nại của các hộ dân khu tập thể 116 Trần Quốc Toản phường 7, quận 3 nhưng vẫn chưa được hồi âm. Do quá bức xúc, ông Nguyễn Xuân Minh đã yêu cầu được đối thoại thì người có trách nhiệm đối thoại vắng mặt. Ông Minh gửi đơn ra tòa, tòa yêu cầu đối thoại thì người có thẩm quyền cơ quan chức năng cũng vắng mặt không lý do.