Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) thừa nhận đã vẽ ra một viễn cảnh quá lớn, quá nhiều hạng mục, ảnh hưởng tới hàng ngàn hộ dân trong khi tiềm lực kinh tế của tỉnh chưa đủ điều kiện và Trung ương cũng không thể kham nổi.

Dân đập nhà, bỏ đi nơi khác sinh sống nhưng dự án mãi vẫn chưa triển khai. ảnh: Nam Cường

Trong khi đó, khu kinh tế mở (KTM) này vẫn đang đau đầu với số tiền nợ của các nhà thầu thi công hàng trăm tỷ. Con số gần 11 tỷ đã được khoanh vùng thành “nợ quá xấu”…

Những ý tưởng khổng lồ

Theo Ban quản lý (BQL) khu KTM Chu Lai, dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2004 nhưng đã được lãnh đạo tỉnh và Trung ương “thai nghén” từ 1998. Ban đầu, dự án có diện tích 32.400ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn của huyện Núi Thành và TP. Tam Kỳ (trong đó Núi Thành có 12 đơn vị hành chính).

Đến năm 2010, Quảng Nam quyết định sáp nhập Dự án tổng thể sắp xếp dân cư, phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vùng ven biển tỉnh Quảng Nam (dự án tổng thể) vào khu KTM Chu Lai và giao BQL “quản” thêm hơn 10.000ha (thêm 2 xã thuộc huyện Duy Xuyên và 6 xã thuộc huyện Thăng Bình).

Gộp cả 2 giai đoạn, khu KTM kéo dài từ bắc Quảng Ngãi tới cầu Cửa Đại ở Hội An - một dự án quá lớn. Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó BQL khu KTM Chu Lai thừa nhận hiện không thể kham nổi các hạng mục, các dự án nhỏ tại đây.

Đặc biệt, khu phi thuế quan (thuộc xã Tam Quan - Núi Thành) - một trong những ý tưởng chủ đạo để hình thành khu KTM chính thức khép lại. Sau này, dự áp sắp xếp hơn 40 ngàn cư dân ven biển từ Duy Xuyên đến Thăng Bình cũng đã chính thức “đóng trang”.

“Dự án sắp xếp dân có từ 2007, đến 2008 được duyệt, năm 2010 triển khai. Nhưng chưa kịp làm gì đã phải hoãn vô thời hạn. Tiền đâu mà làm, những 3.600 tỷ đồng, mà đó mới là con số ban đầu. Con số này dự định Trung ương cấp, nhưng sau khó khăn nên phải dừng” - ông Quang nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng chục ngàn hộ dân vùng đông Thăng Bình và Duy Xuyên mấy năm qua khốn khổ vì quy hoạch treo. Cái gọi là “sắp xếp dân cư” nhưng chủ yếu thu hồi đất, bố trí cho các resort. Hiện tại, nhiều khu resort, khu đô thị rộng hàng ngàn hécta được quy hoạch, công bố xong rồi để đó, đồng nghĩa với hàng chục ngàn hécta đất bị bỏ hoang trong nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất. Trong khi đó, người dân nơi đây không có đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản dẫn đến cuộc sống vốn đã khó nay càng khó.

Giai đoạn 2 của dự án chính thức bị “khai tử”, còn giai đoạn 1, với 32.400ha nay cũng đang phập phồng. Chỉ thực sự Trường Hải ô tô, nhà máy kính nổi Chu Lai và sắp tới là nhà máy trà Dr. Thanh là đáp ứng được kỳ vọng.

Năm 2013, tỉnh Quảng Nam cũng đã thu hồi một số dự án động thổ rồi để đó, treo quá lâu. Mặc dù vậy, 64 trong tổng cộng 79 dự án đang triển khai, chiếm phân nửa là những dự án dở dang, chậm trễ. Với 42.400ha, bình quân mỗi héc ta tốn 2 tỷ đồng để giải tỏa, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Tiền đâu ra?

Lại “cởi trói” và loay hoay… đòi nợ

Ông Nguyễn Hồng Quang nói thẳng, dự định ban đầu về khu KTM giờ gần như đã phá sản. Trên thực tế, khu KTM Chu Lai hiện chỉ giống như những khu công nghiệp được băm nhỏ để các nhà đầu tư vào làm ăn. “Trừ khi khu phi thuế quan hình thành, rồi khu đô thị, sân bay, sắp xếp dân cư, khu du lịch… hình thành một chuỗi thì may ra mới có thể gọi là khu KTM”.

Trước sự bức bối của người dân, tỉnh Quảng Nam mới đây đã quyết định rà soát tổng thể dự án và làm việc với lãnh đạo các huyện. Được biết, hiện BQL khu KTM Chu Lai chỉ còn quản lý khoảng 3.865ha, chủ yếu ở Núi Thành. Mặc dù vậy, số còn lại (khoảng 38.000 ha) vẫn trong diện quy hoạch theo định hướng của Chính phủ. Có nghĩa, người dân vẫn không được cơi nới, xây dựng, mua bán sang nhượng.

Trên thực tế, người dân những địa phương trong vùng quy hoạch đều cho rằng, thời gian cấp phép xây dựng tạm 3 - 5 năm chẳng khác nào vòng kim cô, siết chặt vào cái khó khăn vốn dĩ đã đeo đẳng 10 năm trời.

Từ 42.400ha, đến nay bị “bóp” lại còn 3.800ha, BQL khu KTM Chu Lai hiện còn kiêm thêm việc phải đi đòi nợ thay cho tỉnh. Với thông tin số nợ các nhà thầu ứng tiền thi công từ 10 năm nay lên đến 1.200 tỷ đồng, ông Nguyễn Hồng Quang cho hay, nếu tính số nợ đến cả thời điểm này, với hàng chục nhà thầu thì có khả năng lên con số đó.

Nam Cường (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.