Những ngày vừa qua, một số hộ dân thôn Bằng Tạ (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) đã tập trung đông người, ngăn cản hoạt động tại Khu du lịch Đầm Long để yêu cầu chủ đầu tư phải trả lại đất, hoặc nếu muốn tiếp tục thuê đất, phải thỏa thuận bồi thường.

Tuy nhiên, kết luận của UBND huyện Ba Vì, vào năm 2002, người dân đã nhận tiền đền bù nên việc đòi lại đất đã giao cho chủ đầu tư khu du lịch Đầm Long là không có cơ sở. Việc gây rối này, không chỉ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh khu du lịch Đầm Long, mà còn ảnh hưởng các lao động địa phương đang làm việc, kinh doanh tại khu du lịch này.

Không có cơ sở

Từ ngày 3.12 tới nay, tại cổng vào khu du lịch Đầm Long luôn xuất hiện các hộ dân tụ tập đông người để phản đổi chủ đầu tư, đòi lại đất ruộng đã giao cho chủ đầu tư từ năm 2002. Nguyên nhân được xác định, vào năm 2002, sau khi nhận tiền đền bù của chủ đầu tư, cán bộ địa chính địa phương không hiệu đính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDD) mà chỉ gạch ngang và ghi đã chuyển nhượng.

Theo Thông báo kết luận 355 ngày 3.11 của UBND huyện Ba Vì, chủ trương thực hiện dự án khu du lịch Đầm Long đã được Đảng ủy, HĐND&UBND xã Cẩm Linh, nhân dân đồng tình nhất trí ủng hộ. Dự án được công khai, phù hợp và nằm trong Quy hoạch sử dụng đất tại xã Cẩm Lĩnh 2000-2010 đã được phê duyệt là thực hiện đúng theo quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các hộ dân đã chấp thuận phương thức thanh toán tiền bồi thường, hỗ trự đối với diện tích đất nông nghiệp của cá hộ tại khu Đầm Long.Trên cơ sở đó, chủ đầu tư và UBND xã Cẩm Lĩnh có văn bản đề nghị UBND huyện thu hồi đất trên. Sau đó UBND huyện Ba Vì ban hành Quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ của chủ đầu tư. Việc UBND huyện Ba Vì ban hành Quyết định thu hồi đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ là đảm bảo đúng quy trình, thủ tục.

UBND huyện Ba Vì khẳng định, việc bồi thường, hỗ trợ đã được chủ đầu tư và người dân có đất thống nhất, thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện, quyền lợi của người dân có đất được chủ đầu tư chi trả theo thỏa thuận giữa 02 bên. Từ năm 2002 đến năm 2013 không có tranh chấp đất đai liên quan đến đất tại dự án Đầm Long. Bởi vậy, UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh, các hộ dân đã thỏa thuận và nhận tiền đền bù, hỗ trợ nên việc các hộ dân hiện nay tiếp tục đòi quyền lợi về đất đã được nhà nước thu hồi cho thuê đất đúng quy định là không có cơ sở.

Nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc

Theo Ban Bồi thường GPMB huyện Ba Vì, nếu tính giá bồi thường theo quy định của Nhà nước tại thời điểm năm 2002, tổng kinh phí đền bù thiệt hại về đất và hoa màu trên đất cho 364 hộ với 139.656m2 đất là gần 873,6 triệu đồng. Trong khi thực tế các hộ đã nhận được tiền bồi thường từ các chủ đầu tư gần 1,85 tỉ đồng, cao hơn mức giá của Nhà nước gần 973,9 triệu đồng. Ông Vũ Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: Dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương và 70-80 hộ gia đình kinh doanh ở các ki ốt trong Khu du lịch Đầm Long, mỗi năm khu du lịch còn thu mua hàng trăm tấn hàng hóa, nông sản, thực phẩm của nông dân. Bởi vậy, việc người dân tụ tập đông người từ 3.12 đã làm ảnh hưởng công việc của hàng trăm lao động địa phương trong dịp giáp hạt, năm hết tết đến.

Về vấn đề này ông Bạch Công Tiến- Chủ tịch UBND huyện Ba Vì -cho biết: Sai sót của UBND xã Cẩm Lĩnh và Phòng Địa chính huyện thời điểm đó (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường-TNMT) là sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng đã không hoàn thiện hồ sơ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền hiệu đính GCNQSDĐ của các hộ có đất thu hồi mà chỉ gạch tên thửa đất trong GCNQSDĐ khiến người dân hiểu lầm về quyền lợi, dẫn tới những đòi hỏi không có căn cứ pháp lý, gây nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, UBND huyện Ba Vì đã giao cho phòng TNMT, phòng TNMT đã có thông báo tới các hộ dân để thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thu hồi và điều chỉnh. Nhưng đến nay vẫn chưa có hộ dân nào chấp hành việc giao nộp GCNQSDĐ.

Qua tìm hiểu thức tế thấy rằng, một số hộ dân thôn Bằng Tạ hiện đang bị hiểu sai về việc các chủ đầu tư thuê đất của các hộ dân đến năm 2013 và khi GCNQSDĐ chỉ bị gạch, chưa chỉnh lý là vẫn còn giá trị, nên đã đang có những hành vi vi phạm pháp luật. Chính quyền địa phương cần vào cuộc và khẳng định rõ, các chủ đầu tư đã thuê đất với nhà nước theo quy định của pháp luật chứ không phải thuê đất với các hộ dân, mặt khác việc đền bù năm 2002 với mức cao hơn giá nhà nước quy định tại thời điểm là đã có lợi cho nhân dân, đất đó đã được nhà nước thu hồi và giao cho các chủ đầu tư thì các thửa đất của nhân dân sẽ không còn giá trị. Việc thiếu sót của cán bộ địa chính chưa chính lý GCNQSDĐ cũng không làm thay đổi bản chất, những thửa đất đó không còn có giá trị với những hộ dân nữa. Vì vậy nhân dân cần hiểu rõ, trường hợp không đồng ý với kết luận 355 của UBND huyện Ba Vì thì có thể thực hiện các trình tự theo luật khiếu nại, tố cáo chứ không được tụ tập đông người, cản trở việc hoạt động SXKD của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật.

T.Chí (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.