Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm đang rục rịch chuyển mình khi dự án hạ tầng 600 tỉ đồng gần hoàn thiện. Cùng với đó, các dự án bất động sản (BĐS) tỉ đô cũng được triển khai trở lại. Khu vực này đang được kỳ vọng thành trung tâm tài chính quốc tế tương lai.
Dự án hạ tầng kỹ thuật cho khu chức năng số 1 đang dần hoàn thiện. Ảnh: Kiên Cường
Sắp hoàn thiện hạ tầng để đấu giá đất
“Chúng tôi đang tích cực thi công để hoàn thành dự án vào tháng 7. Việc có các tuyến đường mới sẽ phục vụ cho việc tăng giá trị khu đất, phục vụ việc đấu giá các lô đất ở khu trung tâm Thủ Thiêm trong thời gian tới” - đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết.
Cụ thể, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chín lô đất thuộc khu chức năng số 1, KĐT Thủ Thiêm được khởi công vào tháng 3 năm ngoái với 14 gói thầu, tổng giá trị khoảng 600 tỉ đồng. Dự án sẽ xây mới tuyến đường N12, R12, D1, N11, D1, N10… cũng như tuyến đường kết nối với cầu Thủ Thiêm 2.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 30-3, tại khu vực công trường dự án các tuyến đường đã dần thành hình. Đơn vị thi công đang gia cố nền đường, hàng chục máy xúc, máy đào cùng công nhân đang tích cực làm việc giữa cái nắng gay gắt. Tuyến đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm 2 cũng đang dần hoàn thiện.
Khu chức năng số 1 của KĐT Thủ Thiêm nằm ở nửa phía bắc lõi trung tâm của KĐT. Đây là khu được quy hoạch là trung tâm thương mại - dịch vụ đa chức năng, dân cư hỗn hợp. Khu này có tổng diện tích hơn 77.606 m2, diện tích sàn xây dựng 632.500 m2. Trong đó, sáu lô được quy hoạch làm khu dân cư đa chức năng, ba lô làm khu thương mại đa chức năng.
Trước đó, trong cuộc gặp với các doanh nghiệp BĐS hồi cuối tháng 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang giải quyết các vấn đề về Thủ Thiêm. Sắp tới, KĐT Thủ Thiêm sẽ khởi động bằng một số dự án, hiện đang tiến hành mời gọi doanh nghiệp tham gia.
Tiếp đó, giữa tháng 3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã có buổi làm việc với ông Lee Kang Woo, Tổng giám đốc Công ty Lotte Properties HCMC thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Theo đó, ông Lê Hòa Bình cho biết dự án Khu phức hợp thông minh Eco Smart City đã được Thủ tướng chấp thuận để Công ty Lotte Properties HCMC tiếp tục thực hiện.
Eco Smart City Thủ Thiêm nằm tại phân khu chức năng 2A trong khu Thủ Thiêm của TP Thủ Đức sẽ phát triển là một khu tài chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng. Tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 2,2 tỉ USD.
Tiềm năng thành trung tâm tài chính khu vực - quốc tế
“Thủ Thiêm là khu vực đặc biệt, được xác định trở thành trung tâm tài chính - thương mại mới của TP.HCM. Khu vực này dành cho phân khúc cao cấp, hạng sang và sẽ tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới” - ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Vietnam, nói.
Theo ông Hoàng, định hướng Thủ Thiêm là trung tâm tài chính quốc tế và tiềm năng để thành hiện thực là rất rõ. Tuy nhiên, cần có nhiều yếu tố và thay đổi mạnh mẽ ở khu vực này.
Điển hình như sự phát triển của kinh tế vĩ mô, sự hội nhập kinh tế quốc tế, sự có mặt của các tổ chức tài chính lớn tầm quốc tế, sản phẩm của thị trường tài chính, tính kết nối của thị trường tài chính trong nước với thị trường tài chính quốc tế, các quy định về luật pháp, chính sách liên quan, tính minh bạch của thị trường, hạ tầng giao thông phải thực sự thuận tiện…
“Mặc dù chúng ta đã biết rõ định hướng phát triển của Thủ Thiêm nhưng thực tế những năm qua tốc độ phát triển khu vực này vẫn chưa được như kỳ vọng. Ví dụ, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội nội khu chưa có nhiều thay đổi” - ông Hoàng đánh giá.
Ngoài ra, trong thời gian qua các chủ đầu tư đa số tập trung vào nhà ở, các loại hình khác như văn phòng, thương mại, giải trí… chưa được triển khai nhiều để Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính và thu hút lao động chất lượng cao.
Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho biết Thủ Thiêm hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính mang tầm vóc quốc tế của Việt Nam khi đưa các dự án cao ốc văn phòng vào xây dựng và vận hành với giá thuê hợp lý.
“Giá BĐS Thủ Thiêm từng được xem là cao nhất TP.HCM. Tuy nhiên, cơn sóng sốt giá vừa qua đã đẩy giá BĐS nhiều nơi khác còn cao hơn 30%-50% dù giá trị sống mang lại thấp hơn. Điều này khiến BĐS Thủ Thiêm trở nên hợp lý đối với khách hàng mục tiêu của họ trong phân khúc cao cấp, hạng sang và cả siêu sang” - ông Việt phân tích.
Ngoài ra, theo ông Việt, các shophouse tại đây cũng mang đến dòng tiền khai thác ổn định khi đang dần được lấp đầy với những sản phẩm dịch vụ dành cho giới trung lưu và tầng lớp nhân viên văn phòng làm việc tại đây.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương để TP xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Định hướng mục tiêu phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM trong ngắn hạn sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia với các hoạt động đa dạng và tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều hàng hóa, phát triển các loại thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ theo chuẩn mực quốc tế. Trong trung hạn, định hướng mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn. Trong dài hạn, kỳ vọng với nền tảng thị trường tài chính cấp quốc gia cùng với các chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác. |
-
Cầu Thủ Thiêm 2 lại “lỡ nhịp” sang năm 2023
CafeLand – Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng nối quận 1 với quận 2 (TP Thủ Đức) tiếp tục chậm tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2023.