Công trình chợ nông sản nằm trong Khu đô thị Thứ Bảy xuống cấp trầm trọng.
Chợ... lún, sụp
Ngày 22-5-2009, công trình Chợ nông sản nằm trong Khu đô thị Thứ Bảy chính thức được khởi công xây dựng, quy mô hơn 2.100m², kinh phí 8 tỷ đồng. Kế hoạch hoàn thành trong 4 tháng nhưng mất đến 2 năm công trình mới xong nhưng không thể đưa vào sử dụng. Nhìn từ quốc lộ 63, chợ xây dựng khá quy mô, bề thế, kiến trúc đẹp. Nhưng đó chỉ là cái vỏ, bên trong đang rệu rã. Ngay lối chính vào chợ, nền xi măng đã bị lún nứt nhiều nơi, cả dãy cột đều nứt nẻ. Tại hàng cột thứ ba, nền xi măng sụp lún cả gang tay, bê tông nứt nẻ, bể ra thành nhiều mảnh vụn. Bà Lê Thị Huệ, ấp Bảy Xáng, xã Đông Hòa, huyện An Minh nói: “Chợ nứt, lún như vậy không biết khi nào sập thì làm sao yên tâm vào đó mua bán”.
Được biết, tại buổi làm việc giữa
Sở Xây dựng Kiên Giang và các bên liên quan cuối tháng 8 vừa qua, đơn vị
thi công là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nhà Kiên
Giang khẳng định, đơn vị đã thi công đúng theo quy trình hồ sơ thiết kế.
Còn theo Sở Xây dựng Kiên Giang, nguyên nhân dẫn đến sự cố lún, nứt là
do sai lầm của đơn vị tư vấn - Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng
Kiên Giang, khi thiết kế chợ dựa theo giả định trên nền đã lún ổn định,
nhưng thực tế tại khu vực xây chợ nền mới san lấp, mức độ lún lớn. Dù
đã xác định nguyên nhân, nhưng chủ đầu tư - UBND huyện An Biên - lại rất
“tình cảm”.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang ngày 13-10, ông Phan Thành Đức, Chủ tịch UBND huyện An Biên đề nghị cả ba phía: chủ đầu tư, đơn vị thi công và tư vấn thiết kế cùng nhau khắc phục hậu quả. Ước tính tổng kinh phí khắc phục khoảng 500 triệu đồng, UBND huyện An Biên chịu trách nhiệm từ 50% đến 60% kinh phí, phần còn lại 2 đơn vị kia lo. Nhưng dù chủ đầu tư đã “nhân nhượng”, đơn vị tư vấn vẫn chưa chấp thuận, nên sự cố chưa được khắc phục.
Nợ nần chồng chất
Theo Ban quản lý Dự án Khu đô thị
Thứ Bảy, đây là dự án thực hiện từ nguồn vốn vay, nên càng kéo dài nguồn
vốn càng tăng cao. Được biết, kinh phí đầu tư vào dự án đến đầu năm
2011 là 137 tỷ đồng, riêng lãi suất vay đến tháng 3-2011 trên 40 tỷ
đồng. Ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Ban quản lý Dự án Khu đô thị Thứ Bảy
than: “Do khi triển khai thực hiện dự án, khâu giải phóng mặt bằng gặp
nhiều khó khăn và kéo dài. Với số tiền vay 137 tỷ đồng, lãi suất dù đã
ưu đãi (0,85%/tháng), nhưng hiện nay cứ mỗi ngày tiền lãi tăng thêm trên
37 triệu đồng. Trong khi đó số nền tại khu đô thị chưa bán được, vì
chậm bán nên nợ nần ngày càng phình ra”.
Để giảm nguồn vốn vay, UBND tỉnh
Kiên Giang cho đầu tư bằng hình thức nhà thầu bỏ vốn xây dựng, khi
nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư thanh toán lại. Theo
đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Trung-Kiên Giang nhận thầu thi
công với trị giá nghiệm thu khoảng 40 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Trung - Kiên Giang, cho biết: “Do không nhận được tiền nên công ty nhận 81 lô nền trong khu đô thị, trị giá 23 tỷ đồng. Hiện, chủ đầu tư nợ chúng tôi khoảng 17 tỷ đồng. Do tình hình chung, chúng tôi cũng rất kẹt vốn…”.
Ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết, hiện
số nền còn lại trong khu dân cư là 687, nếu bán giá sàn chỉ được khoảng
118 tỷ đồng. Nhưng nợ ngân hàng và nhà thầu đã trên 190 tỷ đồng, trong
khi đó việc bán nền rất chậm. Để giảm nợ, chủ đầu tư xin chủ trương, thu
tiền sử dụng đất đối với các công trình công cộng như Trạm y tế, UBND
xã và Trường THPT xã Đông Thái… đang xây dựng. Tuy nhiên, với cách gỡ
này, lại đẩy một số đơn vị vào thế bí.
Ông Huỳnh Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Theo phương án này, tiền đất mà Trường THPT Đông Thái phải nộp khoảng 12 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn đối với ngành giáo dục. Hơn nữa, dự án trường đã được phê duyệt nay phải bổ sung thêm tiền đất thì rất khó. Nếu trước đây Trường THPT Đông Thái xây dựng tại vị trí cũ sẽ không tốn tiền đất”.