Khó khăn trong thu hút đầu tư tại nhiều khu công nghiệp (KCN) trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khiến một số chủ đầu tư hạ tầng KCN phải chuyển nhượng dự án, thay đổi hình thức đầu tư.
Điển hình của tình trạng “đỏ mắt” tìm nhà đầu tư ở các KCN tại Đồng Nai là KCN Long Khánh và KCN Dầu Giây, với tỷ lệ cho thuê đất chưa đến 5%. Được thành lập từ năm 2007, KCN Long Khánh (thị xâ Long Khánh) có diện tích 264 ha, nhưng đến nay, mới thu hút được 3 nhà đầu tư vào thuê đất, với diện tích khoảng 7 ha. Có diện tích đất quy hoạch 330 ha, trong đó 192 ha đất cho thuê sản xuất, KCN Dầu Giây (huyện Thống Nhất) được khởi công xây dựng từ năm 2006, nhưng hiện mới cho thuê được khoảng 8 ha.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các KCN ở Đồng Nai, ông Võ Thanh Lập, Trưởng ban Quản lý KCN Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân chính là hai quốc gia vốn có nhiều dự án đầu tư nhất tại địa phương là Hàn Quốc và Nhật Bản đang chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong 9 tháng đầu năm, các KCN ở Đồng Nai chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn 63,72 triệu USD, 6 dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 40,7 triệu USD.


“Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao và khủng hoảng kinh tế nói chung cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các chủ đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng KCN”, ông Võ Thanh Lập cho biết.


Về phần mình, ông Lê Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Long Khánh cho rằng, lạm phát, giá cả các nguyên vật liệu tăng, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp... đã khiến hoạt động của các nhà đầu tư chững lại. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao, các doanh nghiệp không dám vay để mở rộng đầu tư. “Do chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vào thuê đất và do thiếu vốn, nên Công ty chỉ đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, tức là có nhà đầu tư thuê đất thì mới mở rộng quy mô để hạn chế thua lỗ”, ông Hùng cho biết.


Tại Bình Dương, theo Ban quản lý KCN tỉnh này, tuy số vốn thu hút vào các KCN ở địa phương, tính đến tháng 9, không giảm so với cùng kỳ năm trước (đạt 3.720,6 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 138,7 triệu USD vốn FDI), nhưng diện tích đất cho thuê mới đạt 70 ha, chỉ bằng 58% kế hoạch năm. Đáng chú ý là, nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, như KCN Rạch Bắp (huyện Bến Cát) mới cho thuê được 9/188 ha, KCN Phú Gia (thị xã Thủ Dầu Một) cho thuê 71/133 ha, KCN Đất Cuốc (Tân Uyên) là 49/130 ha...


Khó khăn trong thu hút đầu tư khiến đầu tháng 4/2011, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và Đầu tư TP.HCM (IMEXCO) phải chuyển nhượng toàn bộ KCN Phú Gia cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Kinh doanh địa ốc Việt R.E.M.A.X. “Việc chuyển nhượng tuy không đem lại lợi nhuận cho Công ty, nhưng là việc làm cần thiết khi từ năm 2008 đến nay, không có nhà đầu tư mới đến KCN thuê đất. Điều này cũng giúp Công ty giảm bớt gánh nặng trả lãi vay lên tới hàng chục tỷ đồng cho các khoản vay đầu tư vào KCN sắp đến hạn thanh toán”, ông Dương Kỳ Hiếu, Tổng giám đốc IMEXCO cho biết.


Một nguyên nhân khác khiến nhiều KCN Bình Dương vắng nhà đầu tư là sự sàng lọc kỹ các dự án đầu tư mới theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh (tập trung vào các ngành nghề ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường). “Đây là bước đệm để tỉnh cơ cấu lại ngành nghề đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, để đón các nhà đầu tư giai đoạn hậu suy thoái”, một đại diện Ban quản lý KCN Bình Dương lý giải.
Theo Quang Duy (Bao đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.