Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang thực hiện đề án di dời các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh Bình Dương.
Khu công nghiệp Bình Đường – khu công nghiệp lâu đời nhất tỉnh Bình Dương được chọn thí điểm di dời đầu tiên, theo TTXVN.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, khu công nghiệp Bình Đường được thành lập từ năm 1993, có quy mô 16,5 ha do Tổng công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư.
Đến nay, khu công nghiệp này đang thu hút 11 doanh nghiệp, gồm 05 doanh nghiệp thuê đất và 06 doanh nghiệp thuê nhà xưởng; giải quyết việc làm cho khoảng hơn 2.000 lao động.
Khu công nghiệp Bình Đường có quy mô 16,5ha
Tại buổi gặp gỡ, làm việc trực tiếp với chủ đầu tư khu công nghiệp và Công ty TNHH Sung Hyun Vina (Hàn Quốc) đang thuê đất tại đây, lãnh đạo chủ đầu tư và doanh nghiệp đều đồng thuận với chủ trương chuyển đổi công năng, di dời nhà máy lên phía Bắc của tỉnh.
Các chủ đầu tư và doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục tham gia chuyển đổi công năng phát triển thương mại và dịch vụ của khu công nghiệp, góp phần tạo việc làm cho những lao động không muốn di chuyển lên phía Bắc của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong năm 2024 tỉnh sẽ xây dựng tiêu chí xác định các doanh nghiệp chuyển đổi công năng, di dời; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời.
Đồng thời, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về tiêu chí xác định và chính sách hỗ trợ di dời; triển khai thực hiện thí điểm di dời các doanh nghiệp (dự kiến di dời 05-07 doanh nghiệp); tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chuyển đổi công năng và di dời.
Về mặt bằng để doanh nghiệp di dời vào xây dựng nhà máy, tỉnh định hướng bố trí 5% quỹ đất các khu công nghiệp trong toàn tỉnh; khu công nghiệp Cây Trường 2 và các khu công nghiệp còn lại theo quy hoạch của tỉnh; 07 cụm công nghiệp hiện hữu; 12 cụm công nghiệp ở huyện Dầu Tiếng; 07 cụm công nghiệp ở huyện Bắc Tân Uyên và 09 cụm công nghiệp ở huyện Phú Giáo.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc di dời, chuyển đổi công năng của các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phía Nam lên phía Bắc là định hướng lớn của tỉnh để xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh. Đồng thời nhằm tái thiết lại các đô thị của tỉnh.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương cho biết, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng các sở, ngành đã đi khảo sát tại Dĩ An và thống nhất chọn Khu công nghiệp Bình Đường để làm thí điểm chuyển đổi công năng và di dời nhà máy. Sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng ra toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngành liên quan điều tra đánh giá tác động của việc di dời đối với người lao động, thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đồng thuận di dời và xây dựng các hạ tầng đáp ứng đời sống, sinh hoạt của người lao động sau quá trình di dời, góp phần ổn định sản xuất của doanh nghiệp sau khi di dời.
-
Bình Dương lên kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 40 khu đất, diện tích hơn 9.700ha trong năm nay
Theo đề xuất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, 40 khu đất với tổng diện tích 9.713,27 ha đang được lên kế hoạch triển khai thủ tục lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư....
-
Điều chỉnh chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 400ha ở Bình Dương
Khu công nghiệp Sóng Thần III tọa lạc tại phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo điều chỉnh, quy mô sử dụng đất của dự án là 428,027 ha.
-
Điều chỉnh một số dự án trọng điểm phù hợp với quy định, thực tiễn
Chiều 10-1, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp lần thứ 81 của UBND tỉnh. Tham dự có ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.