"Cảng hàng không số 2 Vùng Thủ đô không xây dựng ở khu vực Hòa Lạc. Chúng tôi đã nghiên cứu một số vị trí khả thi hơn" - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin với báo chí.
Sẽ không xây dựng sân bay ở khu vực Hòa Lạc như Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất trước đó
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Nói về vị trí quy hoạch xây dựng sân bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nghiên cứu một số khu vực khả thi, tuy nhiên vị này không tiết lộ vị trí cụ thể là ở đâu.
"Nêu ra vị trí xây dựng sân bay số 2 lúc này là quá sớm, vì đây là câu chuyện của thời điểm sau năm 2040. Từ nay đến khi đó là thời gian rất dài, cùng với sự phát triển về công nghệ hàng không thì có thể sẽ có rất nhiều thay đổi" - lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Đề cập tới vị trí mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất trước đó là khu vực Hòa Lạc, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã lập tức bác bỏ.
"Hòa Lạc không thể là vị trí xây dựng sân bay số 2 của Hà Nội. Hiện nay các máy bay khai thác tại CHK quốc tế Nội Bài phải lấy điểm Hòa Lạc làm đỉnh trong quá trình cất-hạ cánh, vì vậy xây dựng sân bay số 2 tại đây sẽ gây chồng lấn với Nội Bài và Nội Bài không thể khai thác được. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ việc này." - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.
Được biết, trong khi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới chỉ có kiến nghị thành phố xem xét giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội thì nhiều nhiều môi giới BĐS lập tức lợi dụng thông tin để kêu gọi các nhà đầu tư mua gom đất, chờ đất lên giá, hoặc hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng. Nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cũng cho biết liên tục nhận hàng chục cuộc gọi chào mời đầu tư đất nền tại Ứng Hòa, với nhiều cam kết hấp dẫn.
Nhiều nhà đầu tư săn lùng đất ruộng, "đón sóng" quy hoạch sân bay tại Ứng Hòa
“So với nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, thị trường BĐS Ứng Hòa vốn trầm lắng trong thời gian dài. Thế nhưng, chỉ với thông tin rất mông lung về sân bay đã thay đổi cục diện, nhiều nhà đầu tư quan tâm", anh Toàn một môi giới nhà đất lâu năm tại đây cho biết.
Cũng theo anh Toàn, trước kia có thông tin sân bay dự kiến đề xuất tại 3 xã của huyện Ứng Hòa là Trầm Lộng, Đại Hùng và Đại Cường với diện tích 136 ha. Vì vậy, đã xuất hiện một số nhà đầu tư nhỏ lẻ từ Hà Nội đã về đây nhờ các văn phòng môi giới săn lùng đất ruộng xung quanh khu vực 3 xã này. Giá đất ruộng khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào, đất thổ cư 2 triệu đồng/m2.
Trước sự “hấp tấp” của các “nhà đầu tư tài ba”, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về việc đề xuất này có được đồng ý hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội và để thông qua vấn đề này còn rất lâu, có thể mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Nhà đầu tư không nên “cầm đèn chạy trước ô tô” bởi rủi ro quá lớn đối với một đề xuất chưa được nằm trên giấy. Trong khi đó, với dự thảo mới của Cục Hàng không, các chuyên gia một lần nữa cảnh báo các nhà đầu tư phải “tỉnh táo” với việc “cầm đèn chạy trước quy hoạch”. Không đuổi theo các đề xuất, ôm đất chờ dự án cả chục năm không thấy như tại Đông Anh, hay “chết chìm” vì chủ đầu tư rút dự án tại Hòa Lạc hồi giữa năm 2020.
Dẫn chứng cụ thể về rủi ro từ việc “ôm” đất sân bay, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, cách đây một số năm, TP HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất ở khu vực Long Thành sốt ảo.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, thực tế vị trí đề xuất đều nằm ở các khu vực chưa có sự hình thành thị trường bất động sản một cách rõ rệt. Với các dự án sân bay ở các nước trên thế giới thì thành phố lớn nào cũng có 2 sân bay, khoảng cách 2 tiếng lái xe.
Không những vậy, quy hoạch sân bay thường kéo dài vài chục năm, trong quá trình đó, thị trường sẽ phát triển dần dần. Một dự án sân bay mới không thể phát triển trong nay mai, thị trường bất động sản cũng cần có một thời gian để phát triển hạ tầng, các dự án có quy mô lớn được triển khai...
Còn theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc, ông cho biết, thực ra việc gom đất Ứng Hòa sau là không đủ độ tin cậy, bởi Ứng Hòa là khu vực xa và trái tuyến giao thông so với Hà Nội, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn. Do đó, ở khu vực này chưa hình thành thị trường địa ốc, có chăng chỉ các giao dịch nhỏ lẻ, mua đi bán lại của người dân với nhau.
-
Thực hư cơn "sốt đất" tại Ứng Hòa sau thông tin xây sân bay?
Những ngày gần đây, xuất hiện thông tin về việc Hà Nội sẽ xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại huyện Ứng Hòa.