Theo báo cáo từ UBND TP Hải Phòng, đến nay, Hải Phòng đã thu hồi 85 dự án với tổng số 1.221,4 ha đất tại các dự án bỏ hoang.

Khu đô thị Tân Quang Minh – Vinashin được kiểm kê nhưng vẫn bỏ hoang. Ảnh: Minh Sơn

Diện tích đất do doanh nghiệp để hoang hóa vẫn chưa dừng lại khi Hải Phòng tiếp tục rà soát, thu hồi hàng chục dự án treo trong thời gian tới.

Năm 2003, TP Hải Phòng giao hơn 40 ha đất tại xã Tân Thành, huyện Kiến Thụy (nay là phường Tân Thành, quận Dương Kinh) cho Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam để triển khai dự án khu vui chơi giải trí. Nhận được dự án, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chuyển cho Cty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng – thương mại – du lịch để doanh nghiệp này chuyển mục đích sử dụng đất từ đất dịch vụ sang làm đất ở đô thị với một cái tên rất “kêu”: Khu đô thị Vạn Xuân.

Được giao đất sạch, không phải làm các nghĩa vụ tài chính nhưng dự án này triển khai hết sức ì ạch, gần 10 năm “đẩy” tiến độ, khu đô thị Vạn Xuân mới xây được tường rào và một cổng chào, còn lại để cỏ mọc hoang hóa.

Năm 2004, TP Hải Phòng giao cho Cty CP đầu tư du lịch Quang Minh 51,3 ha đất nông nghiệp ngay tại “điểm” tiếp giáp giữa huyện Thủy Nguyên và quận Hồng Bàng để doanh nghiệp triển khai khu đô thị và các hạng mục giải trí. Mặc dù UBND huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo Sở TN – MT tổ chức kiểm kê, cùng các ngành lên phương án đền bù nhưng chủ đầu tư cũng chỉ đủ tiền chi trả vài ba ha đất nông nghiệp, xây được một tòa nhà ba tầng rồi để cỏ hoang mọc.

Nhằm tìm kiếm nguồn vốn, chủ doanh nghiệp vốn là một thợ may trên địa bàn Hải Phòng liền tìm cách “liên kết” với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin. Sau khi được gắn thêm “đuôi” một tập đoàn lớn vào dự án với tên gọi hoành tráng Khu du lịch sinh thái Tân Quang Minh – Vinashin, dự án này cũng như Dự án của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng vẫn để hoang hóa gần 100 ha đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật suốt 15 năm.

Hai trong số các dự án trên chỉ là số ít trong hàng trăm dự án phát triển nhà được TP Hải Phòng phê duyệt trong giai đoạn phát triển khu đô thị bị bỏ hoang do chủ đầu tư thiếu năng lực.

Năm 2009, UBND TP Hải Phòng giao 75 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên cho Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thành Long, thành viên thuộc TCty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng – Vinashin để triển khai xây dựng nhà máy đóng tàu Lâm Động.

Theo quyết định phê duyệt đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư lên tới 1.300 tỷ đồng, đến năm 2013, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện đầu tư giai đoạn đầu. Tuy nhiên, dự án bị bỏ hoang và đến nay mới trả đền bù được 1,6 ha đất, số diện tích còn lại, doanh nghiệp không có tiền đền bù.

Năm 2009, Hải Phòng cấp chứng chỉ quy hoạch cho TCty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng được “nghiên cứu”, sử dụng 69 ha đất tại xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên để doanh nghiệp này xây dựng nhà máy đóng tàu Vinashin. Dự án chỉ tồn tại trên giấy.

Trước tình trạng hơn 150 ha đất nông nghiệp bị Vinashin “bỏ rơi”, trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hải Phòng khóa 14, ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng cho rằng, TP và các chủ đầu tư đang tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư khác có nhu cầu và năng lực để thực hiện các đự án tại các khu đất đã được quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất.

Theo ông Hiệp, các dự án chậm triển khai, chưa triển khai hoặc không triển khai do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, do bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, lý giải này có phần chưa thỏa đáng khi hầu hết các dự án phát triển đô thị chậm, không triển khai đều được TP Hải Phòng phê duyệt từ những năm 2003 – 2005. Mặc dù Hải Phòng tỏ thái độ kiên quyết thu hồi những dự án chậm, không triển khai nhưng không hề xem xét trách nhiệm của những người đã từng thẩm định, quyết định phê duyệt dự án.

Theo ông Đan Đức Hiệp, đối với một số dự án bị thu hồi, TP Hải Phòng sẽ chuyển mục đích sử dụng đất, đưa diện tích đất này quay trở lại, sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các cơ quan chức năng Hải Phòng, hầu hết hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp tại những khu đất này đã bị hỏng do các chủ đầu tư được giao đất đã san lấp, làm biến dạng hệ thống mương, cống cung cấp nước.

Nam Khánh - Nam Sơn (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.