09/08/2012 10:15 PM
“Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Đừng ngồi đó mà chờ ngân hàng hay Nhà nước cứu mình. Bởi bản chất của ngân hàng là đặt lợi nhuận của mình lên trên hết, còn Nhà nước cũng đang “bận” đi cứu các tập đoàn và nhiều ngành nghề khác”.
Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã làm hết cách có thể để tồn tại hay đang nằm giãy chết và chờ Nhà nước đến cứu? Ảnh: TL

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về việc: các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã làm hết cách có thể để tồn tại hay đang nằm giãy chết và chờ Nhà nước đến cứu?

Đã hết cách!

Lê Thành là một doanh nghiệp đã xây dựng và bán ra thị trường 3.000 căn hộ có giá thấp, trung bình. Trong cơn khủng hoảng của thị trường, có hai cách mà công ty này đã xoay xở. Một là chấp nhận bán lỗ. Chẳng hạn, theo công ty này, dự án căn hộ Twin Towers bán với giá 11,9 triệu đồng/m2, lỗ 2 triệu đồng/m2.

“Tính ra cả dự án, công ty lỗ 40 tỉ đồng. Đây là giải pháp bất đắc dĩ mà Lê Thành áp dụng với mong muốn kéo khách hàng quay lại với thị trường”, đại diện doanh nghiệp này giải thích.

Giải pháp thứ hai mà công ty Lê Thành áp dụng là xây dựng dự án theo quy trình khép kín để giảm thiểu chi phí đầu tư nhằm hạ giá bán. Tức công ty tự đảm nhiệm từ khâu thiết kế, san lấp, đóng cọc đến xây dựng hoàn thiện. “Không còn cách nào khác”, ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc công ty, cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đã làm mọi cách có thể để tồn tại. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán tháo, lỗ tới 50% nhưng vẫn phải bán. Trước đây doanh nghiệp này đầu tư vào dự án 300 tỉ đồng, nay chấp nhận bán với giá 150 tỉ đồng. Dù ngậm đắng nuốt cay nhưng vẫn phải chịu. Cách thứ hai là làm nhỏ diện tích căn hộ, giảm bớt chiều cao số tầng nhằm bán được hàng. Bản thân doanh nghiệp Đất Lành đã chủ động giảm diện tích chiều cao một dự án ở Gò Vấp từ 15 tầng xuống chỉ còn 12 tầng, diện tích căn hộ cũng thu nhỏ từ 80 – 100m2 xuống còn 50 – 60m2 với hy vọng giá thành một căn hộ không vượt quá tầm với của người dân.

Nhưng giá vẫn cao

Một câu hỏi được đặt ra là, dù các doanh nghiệp nói đã giảm giá nhưng giá bất động sản hiện vẫn dao động từ từ 12 – 15 triệu đồng/m2, một mức giá còn rất xa so với thu nhập của những người có nhu cầu mua nhà để ở. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khẳng định: “Không doanh nghiệp nào tại TP.HCM có thể xây nhà và bán với giá 10 triệu đồng/m2. Như công ty Lê Thành đang bán với giá 11,9 triệu đồng/m2 mà đã lỗ 2 triệu đồng/m2”.

Theo ông Châu, sở dĩ doanh nghiệp không thể giảm giá bán bất động sản tại TP.HCM được nữa vì cơ cấu giá thành phụ thuộc vào năm yếu tố: chi phí bồi thường tại TP.HCM cao; tiền sử dụng đất hiện nay theo nghị định 69 coi như doanh nghiệp phải mua đất hai lần; chi phí vốn, lãi vay quá cao, hầu hết các doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 18%/năm; thủ tục hành chính kéo dài, dự án chậm triển khai; thuế chồng thuế, phí chồng phí.

“Năm nguyên nhân ấy tác động trực tiếp đến giá thành”, ông Châu nói, và cho biết tuy đã kiến nghị nhiều lần vẫn không có dấu hiệu tích cực.

TP.HCM đừng mơ căn hộ 3 triệu đồng/m2

“Cái khó của nhiều doanh nghiệp hiện nay là muốn “đại phẫu” nhưng không thể được vì trước đó kỳ vọng quá nhiều vào thị trường, lỡ xây dựng những dự án diện tích lớn, bây giờ dù không bán được cũng không thể chẻ đôi căn hộ vì sẽ rất tốn kém”.

Ông Nguyễn Văn Đực (phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành)

Giải thích vì sao các doanh nghiệp tại TP.HCM không thay đổi tư duy, xây dựng những căn nhà giá rẻ như ở Bình Dương mà cứ trông chờ chính sách, ông Châu nói “không thể làm được”, bởi Bình Dương xây dựng được căn hộ 3 triệu đồng/m2 là có yếu tố “thiên thời, địa lợi”.

Thứ nhất, dự án của Bình Dương là nhà thấp tầng, không thang máy nên chi phí đầu tư thấp; thứ hai dự án của Bình Dương được miễn 100% tiền sử dụng đất; thứ ba vì dự án trước đây nằm trên khu đồi hoang nên chi phí bồi thường cực thấp; thứ tư Bình Dương làm quy hoạch tốt. “Khi nào TP.HCM có những điều kiện như Bình Dương thì khi ấy doanh nghiệp sẽ xây dựng được đơn giá nhà giá rẻ. Cách làm của Bình Dương là “rất hay”, xứng đáng để các tỉnh thành khác noi theo”, ông Châu cho biết.

Đồng quan điểm, ông Đực cũng cho rằng, sở dĩ Bình Dương làm được dự án trên vì họ cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ thương mại dưới hình thức nhà xã hội. Tức là nhà xây để bán cho tất cả mọi người nhưng được hỗ trợ tiền sử dụng đất, không cần hạ tầng, không cần công viên, được xây thấp tầng; đặc biệt là được xây diện tích căn hộ ngoài quy định là 30m2 (trong khi quy định là 45m2)…

Cũng theo ông Đực, tính tổng chi phí một căn hộ ở Bình Dương chỉ mất khoảng 2,7 triệu đồng/m2. Nếu họ bán giá tầng trệt 5 triệu đồng/m2 và giảm dần đến tầng năm là 3 triệu đồng/m2, thì 1m2 doanh nghiệp cũng đã lời được 1 triệu đồng.

Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.