Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là để đáp ứng nhu cầu của những người
có thu nhập thấp và để giải quyết tình trạng tồn đọng hàng ngàn căn hộ
đã và đang xây dựng bằng cách chuyển đổi từ căn hộ lớn thành căn hộ
nhỏ!
Không chỉ trong ngành xây dựng, hiện nay nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác cũng xảy ra tình trạng các quy hoạch chung, các lợi ích mang tính quốc gia bị các nhóm lợi ích chi phối. Trong trường hợp này, Luật Nhà ở đã quy định rõ diện tích tối thiểu của căn hộ thương mại phải từ 45 mét vuông trở lên, chỉ có nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, quản lý mới được xây dựng loại căn hộ 30 mét vuông. Quy định rõ ràng như vậy, tại sao cứ phải kiến nghị, đề xuất?
Bài học từ loại căn hộ chung cư lắp ghép từ thời bao cấp vẫn còn đó, diện tích chỉ 18-20 mét vuông, với mục tiêu phục vụ cho cán bộ, công nhân đơn thân. Thế nhưng, sau đó tình trạng bất cập đã diễn ra như gây quá tải về dân số và điều kiện xã hội do mật độ tập trung dân cư quá cao vào các khu vực bố trí chung cư.
Về mặt kỹ thuật, đúng là căn hộ 30 mét vuông đáp ứng được chỗ ở cho hai người, nhưng ai quản lý được việc sẽ có thêm người vào đó? Đó là chưa kể các cặp vợ chồng sinh con, đẻ cái thì như thế nào, chẳng lẽ bắt đi chỗ khác? Chắc chắn, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào chuyện kinh doanh, việc tham gia quản lý số người ở trong các căn hộ sẽ bị bỏ mặc. Do đó, thiết nghĩ mọi chuyện đều phải kiên quyết thực hiện theo luật, không để các nhóm lợi ích chi phối.