28/11/2020 7:40 AM
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, nếu không phân cấp, phân quyền cho địa phương thì “cãi cọ nhau có 10 m2 đất cũng đưa lên Thủ tướng”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc

Ngày 27/11, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 và định hướng giai đoạn 2021- 2030”. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một chủ trương nhất quán, là điều kiện tiên quyết, yếu tố đảm bảo cho sự thành công của phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà Trà, trong quá trình triển khai chương trình tổng thể, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tốc độ cải cách còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tổng số biên chế công chức của các bộ, ngành và địa phương từ cấp huyện trở lên được giao 318.048 người. Tổng số biên chế công chức hiện có là 295.536 người. Trong đó, công chức bộ ngành Trung ương 125.144 người, còn ở địa phương từ cấp huyện trở lên 170.042 người. Đến 31/3/2020, các bộ ngành Trung ương đã giảm 10.284 người, các địa phương giảm 13.612 người so với số biên chế được giao năm 2015.

Tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030 phải chọn vấn đề then chốt để xây dựng cho được một nền hành chính, quản trị hiện đại, ngày càng công khai, minh bạch. Đó là một nền hành chính phục vụ, kiến tạo phát triển hay còn gọi là một nền hành chính “bà đỡ của sự phát triển”.

Băn khoăn từ việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, cần phải tách quản lý Nhà nước ra khỏi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Thậm chí có thể tách quản lý nhà nước ra khỏi các tổ chức sự nghiệp, chuyển sang cơ chế mới tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bởi hiện nay số người hoạt động trong khu vực đơn vị sự nghiệp có tới 2,5 triệu. Theo ông Phúc, nếu không làm được điều này, mọi công cuộc cải cách của chúng ta sẽ không có tác dụng.

Cũng theo ông Phúc, cần có một nền hành pháp mạnh, tập trung cho hành động chứ không phải là “ngồi bàn”. Do vậy, cần có đề án hoặc chương trình quốc gia về phân cấp, phân quyền cho các địa phương, để mọi việc không bị đẩy lên Chính phủ. “Cứ nói tự chủ tự chịu trách nhiệm nhưng có phân quyền cho địa phương đâu. Không phân cấp phân quyền thì cãi cọ nhau có 10 m2 đất cũng đưa lên Thủ tướng Chính phủ", ông Phúc lưu ý.

Cùng với đó, ông Phúc cũng đề nghị chuyển đổi theo hướng chuyển giao các dịch vụ công của nhà nước cho doanh nghiệp, xã hội. Như vậy mới tinh giản được bộ máy và các nhà quản trị đất nước mới thể hiện được mình. "Cứ trao đủ quyền đi, anh nào không làm được thì chuyển hoặc loại bỏ khỏi bộ máy", ông Phúc cho hay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu lo ngại tình trạng cải cách hành chính đang có phần “đơn thương độc mã”. Bên cạnh đó, vẫn còn tư tưởng bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong tiềm thức của đội ngũ cán bộ công chức. Theo ông, cần phải loại bỏ ngay những bất cập này mới tiến hành cải cách được.

Luân Dũng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.