Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Độc Lập
Sau khi có loạt bài phản ánh tình trạng giá bất động sản (BĐS) tăng nóng, ảo ở nhiều nơi, đặc biệt tại TP.HCM, Hà Nội, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho thị trường, để có thêm thông tin, góc nhìn từ cơ quan quản lý chuyên ngành, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Người mua nhà cần cẩn trọng
* Thưa ông, ông nhận định thế nào về giá bất động sản (BĐS) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không những không giảm mà còn tăng ?
- Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Dù có dịch bệnh Covid-19, nhưng tình hình giá BĐS nhìn chung trong năm 2020 vẫn có chiều hướng tăng so với năm 2019, với mức tăng không đồng đều, thiếu nguồn cung, dẫn đến tăng giá. Việc thiếu nguồn cung hiện nay chỉ là ngắn hạn và cục bộ tại một số khu vực.
Theo báo cáo của Hà Nội, TP.HCM, các dự án BĐS mới hoàn thành hoặc được cấp phép mới trong năm 2020 ít hơn các năm trước ở tất cả các phân khúc nhà ở. Nguồn cung một số khu vực khan hiếm. Nguồn cầu lớn hơn nguồn cung dẫn đến giá cả sẽ tăng lên. Nhà đầu tư chuyển hướng sang các khu vực khác có giá rẻ hơn như các dự án tỉnh lân cận hoặc vùng ven đô có hạ tầng đang phát triển, có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, chẳng hạn ở các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng…
Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển BĐS lớn của Việt Nam, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị. Còn tại TP.HCM, có thể kể đến các khu vực như Thủ Đức, Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi hay những tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương…
Người mua nhà cần nghiên cứu kỹ, xem xét kỹ, thận trọng đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp, các yếu tố trước khi mua. Chẳng hạn, thời điểm mua nhà, hạ tầng kết nối của dự án, tính pháp lý của dự án… cần được xem xét, đánh giá phù hợp, để tránh bị mua phải những sản phẩm BĐS có giá bán quá cao so với thị trường, không đúng với giá trị thực do bị hấp dẫn bởi việc quảng cáo, marketing của một số dự án, như một số thông tin truyền thông đã phản ánh.
Đất nền phân lô ở ngoại thành Hà Nội tăng giá mạnh, dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Ảnh: Lê Quân
Đầu cơ mua đi bán lại đẩy giá tăng nóng
* Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng BĐS tăng nóng, ảo dù dịch bệnh Covid-19 tác động bất lợi đến các lĩnh vực cũng như đời sống người dân?
- Có nhiều yếu tố dẫn đến nguồn cung khan hiếm làm giá BĐS tăng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, không loại trừ việc có một số nhóm đầu cơ mua đi bán lại, ăn chênh lệch qua các lần giao dịch, không có nhu cầu sử dụng BĐS mà chỉ tham gia vào thị trường để kiếm lợi nhuận thông qua các kỹ thuật đẩy giá, mua rẻ bán cao, từ đó khiến cho giá BĐS tăng nóng.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan khác khiến giá BĐS tăng cục bộ trong năm 2020 như việc hàng loạt công trình hạ tầng được công bố, phê duyệt hoặc được đẩy nhanh công tác chuẩn bị mặt bằng; tiến trình đô thị hóa cùng với nhiều công trình hạ tầng chuẩn bị triển khai. Hạ tầng và đô thị hóa đến đâu giá nhà đất tăng đến đó.
Dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế chung của cả nước, thế giới, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng khiến dòng tiền dịch chuyển từ nhiều ngành kinh doanh, sản xuất bị bế tắc, bị ảnh hưởng nặng nề sang BĐS vốn được coi là kênh đầu tư cuối, nơi trú ẩn của tài sản. Tiền nhiều, hàng ít rất dễ gây tăng giá nóng, sốt ảo.
Hiện, thị trường BĐS không nằm trong diện bị khủng hoảng trầm trọng, đóng băng hay nóng sốt nếu xét tổng thể các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn như kinh tế vĩ mô, các thị trường đầu tư khác, nguồn cung các sản phẩm BĐS so với nhu cầu, chính sách tài chính, tín dụng BĐS hay sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước vào thị trường…
Vấn đề là thiếu hụt sản phẩm ở một số phân khúc BĐS giá thấp và nhà ở xã hội hoặc có thể xảy ra tình trạng tăng giá đất nền cục bộ tại một số dự án của chủ đầu tư có uy tín và tại một số khu vực có khả năng phát triển kinh tế, du lịch, thuận tiện về điều kiện hạ tầng do nguồn cung thiếu và nhu cầu vẫn cao. Trong thời gian tới, khi các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS sẽ phát triển tốt hơn và ổn định hơn trong năm 2021.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở bình dân để góp phần đình hướng thị trường, giảm sốt ảo bất động sản. Ảnh: Lê Quân
Sớm có sản phẩm mới để bình ổn giá
* Vậy thời gian tới, Bộ Xây dựng có chiến lược, giải pháp gì để giải quyết tình trạng giá bất động sản tăng nóng, ảo?
- Trước hết, sẽ cần xác định cụ thể nơi nào có tăng nóng, sốt ảo, nguy cơ bong bóng để có biện pháp phù hợp. Về tổng thể, Bộ Xây dựng mới trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh và tổng quan tình hình thị trường BĐS và giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách về khuyến khích nhà thương mại giá thấp diện tích dưới 70 m2 có giá bán vừa túi tiền với đa số người có thu nhập trung bình.
Đồng thời, các vấn đề liên quan đến pháp lý, thủ tục hành chính cũng sẽ được rà soát, tìm kẽ hở. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại các quy định của luật Đầu tư, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Đất đai… để để xuất sửa đổi cho hoàn thiện, thủ tục nhanh gọn, giảm chi phí trong hoạt động đầu tư dự án, tạo cơ chế thông thoáng cho phát triển BĐS.
Bộ Xây dựng cũng sẽ tăng cường đôn đốc địa phương hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm trong quý I/2021 để sớm triển khai lại dự án, bảo đảm kịp thời có nguồn cung hàng hóa cho thị trường, góp phần bình ổn giá.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị doanh nghiệp kinh doanh BĐS khẩn trương tái cơ cấu lại sản phẩm BĐS theo nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển nhà ở bình dân, giá thấp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Xin cảm ơn ông !
-
Giá bất động sản neo cao do đầu cơ lướt sóng
CafeLand - Nhu cầu nhà ở được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới, nhất là tại các đô thị lớn. Trong khi đó, từ Bắc vào Nam, nơi đâu cũng có hiện tượng giá bất động sản tăng cao, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, chủ yếu là do tình trạng đầu cơ, lướt sóng.