Cần có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương trong việc thu hồi những dự án chuyển đổi chậm triển khai.
Đánh giá về nguyên nhân các dự án xin chuyển đổi từ NƠTM sang nhà thu nhập thấp chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, những dự án nhà ở thương mại “ế” không bán được sẽ sinh ra nợ xấu ngân hàng, làm cho đồng tiền bị ách tắc… Nếu cứ để phân khúc nhà ở giá cao thì người dân không thể mua được. Chuyển đổi sang nhà ở xã hội là chủ trương hợp lý nhưng việc chuyển đổi cần phải có điều tra, nghiên cứu. Nhà rẻ mà xa nơi làm việc thì chẳng khác nào mua nhà giá cao. Khi khảo sát thị trường, nếu dự án nào thực sự người dân có nhu cầu thì mới chuyển đổi, không nên chuyển đổi theo kiểu ồ ạt...
Nhiều doanh nghiệp đầu tư NƠTM thấy được chuyển đổi thì họ vội vàng xin phép trước đã, tuy nhiên, họ lại chưa tính đến khả năng khi chuyển đổi công năng khu nhà thì liệu có khách đến mua không. Ví dụ, có những dự án ở Hoài Đức, Quốc Oai… rất khó bán vì vị trí xa nếu trước đây chỉ có ô tô mới ra đấy, còn bây giờ chuyển đổi sang nhà ở xã hội thì chỉ bán được cho người dân ở quanh đấy chứ không thể bán được cho người có thu nhập thấp ở nội thành Hà Nội được.
Vì vậy, cần phải khảo sát kỹ khả năng dự án có người mua không, vì không phải cứ rẻ là mua, chưa kể đến vị trí phải thuận tiện, hợp lý.
Một vấn đề quan trọng nữa là muốn làm thì phải có vốn, mặc dù những doanh nghiệp được vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay, mà nếu có được vay thì cũng chỉ được một phần, còn lại họ vẫn phải có tiềm lực tài chính. Những dự án chậm triển khai có thể họ đang phải tính huy động đủ vốn mới có thể thực hiện được.
Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho biết, chủ trương thu hồi dự án xin chuyển đổi chậm triển khai cũng là một cách để giúp cho thị trường BĐS hồi phục. Theo Luật, nếu các dự án “án binh bất động” sẽ bị thu hồi, tuy nhiên dự án bị dừng phải nói rõ nguyên nhân, dừng để làm gì, thu hồi cho ai, ai nhận tiếp dự án, nếu chưa có ai thay thế vào dự án đó thì không nên thu hồi… Chưa tính đến việc, khi tham gia dự án, những doanh nghiệp này đã phải bỏ tiền ra trước đấy để làm thủ tục xin phép đầu tư, nếu thu hồi thì phải trả hoàn lại cho họ chi phí đã chi ra. Việc này cũng không phải dễ dàng gì và cũng mất khá nhiều thời gian khảo sát, tính toán lại từ đầu.
Theo đề xuất của ông Liêm, tốt nhất khi thu hồi nên nêu tên dự án, đấu giá công khai có sự tham gia trọng tài kinh tế, chính quyền, các thành phần kinh tế, ai có khả năng thì sẽ được bàn giao dự án…
Để khắc phục tình trạng tồn kho BĐS, Nghị quyết 02 của Chính phủ yêu cầu thu hồi các dự án BĐS chậm triển khai. Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất tạm dừng, không cho triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng, hoặc giải phóng mới chỉ đạt 30% diện tích tại các địa phương trên cả nước… Bên cạnh đó, cũng đề nghị các địa phương rút ngắn thời gian thẩm định, xem xét và chuyển đổi cơ cấu, công năng căn hộ, bố trí ngân sách mua lại các dư án NƠTM phục vụ tái định cư, NƠXH cho thuê và thuê mua.
Một số ý kiến cho rằng, đề xuất thu hồi dự án chậm triển khai của Bộ Xây dựng đưa ra khá rõ ràng nhưng nếu chỉ “hô to” thôi chưa đủ bởi, để có được dự án, các chủ đầu tư cũng phải chi nhiều tiền để “chạy”, giờ nói thu hồi không phải dễ làm.
Vì vậy, vẫn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM là hai địa phương đã có nhiều dự án NƠXH nhiều nhất và hiệu quả nhất hiện nay.
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 62 dự án đăng ký chuyển đổi từ NƠTM sang NƠXH với quy mô xây dựng khoảng 41.769 căn hộ. Trong đó, Hà Nội đã có 24 dự án đăng ký chuyển đổi từ NƠTM sang NƠXH với quy mô xây dựng khoảng 15.468 căn, tổng mức đầu tư khoảng hơn 9.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội đã tiến hành xem xét, thẩm định 19 dự án chuyển đổi từ NƠTM sang NƠXH, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi từ khoảng 5.000 căn thành 11.750 căn (tăng 6.750 căn); đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 12 dự án, trong đó 05 dự án đã có quyết định cho phép chuyển đổi; đã tiến hành xem xét, thẩm định 60 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ, số lượng căn hộ điều chỉnh từ 23.273 căn hộ thành 32.469 căn hộ (tăng 9.196 căn). Hà Nội cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh 37 dự án, trong đó, 18 dự án đã có quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ... |