Theo ông Vũ Viết Ngoạn, mặc dù phải ghi nhận hiện giờ số lượng NH tuy nhiều nhưng năng lực chưa tốt, nhưng nếu nói ngay con số định lượng để tái cơ cấu bằng cách giảm đi bao nhiêu NH thì không có cơ sở khoa học. Tùy từng góc độ quan sát và tiêu chí đánh giá mà xem xét chứ không nên võ đoán hay cực đoan về vấn đề này. Vấn đề bây giờ là làm thế nào trong tương lai có nhiều loại NH với nhiều quy mô khác nhau, mỗi NH phục vụ một đối tượng khác nhau.
Nếu không tái cơ cấu NH theo hướng cơ học như ông nói thì nên tái cấu trúc NH theo hướng nào, thưa ông?
Theo tôi, điều chúng ta cần làm trước tiên là phải hình dung cấu trúc
NH tương lai của chúng ta sẽ thế nào, phải định dạng cho rõ. Thứ hai là
phải xem xét từng đơn vị NH đang ở mức độ như thế nào để có biện pháp
hỗ trợ, giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại. Hỗ trợ ở đây bằng
nhiều cách, chẳng hạn như cách làm của BIDV vừa qua, tức là Nhà nước
thông qua các NH khác, khuyến khích họ hỗ trợ lẫn nhau, điều đó rất tốt.
Quan trọng là phải phân tích được thực trạng để có giải pháp hợp lý.
Từng hạng mục hoạt động của NH có gì tốt, chưa tốt, yếu kém thế nào, mức
độ hỗ trợ sẽ ra sao. Chẳng hạn về vốn, hệ số an toàn vốn còn thấp chưa
đủ thì phải tăng lên, hay thanh khoản các cân đối kỳ hạn còn mất cân đối
thì điều chỉnh dần, quản trị rủi ro còn yếu kém thì phải thay đổi
phương thức quản trị… Tất cả phải thay đổi và cần có thời gian để họ
điều chỉnh.
Nói như vậy nghĩa là ông ủng hộ cách làm như BIDV đã đứng ra hỗ trợ thanh khoản cho các NH nhỏ?
Trong quá trình tái cấu trúc NH, việc phối hợp giữa các NH là rất cần thiết. Một khi dòng chảy liên NH bị đình trệ thì rất nguy hiểm. Các cụ mình lâu nay vẫn nói buôn có bạn bán có phường, nếu nhìn ở lĩnh vực NH, sự phối hợp giữa các NH với nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó thể hiện ở sự hình thành thị trường liên NH, nơi các NH hỗ trợ lẫn nhau, gắn bó với nhau. Giờ đây có vai trò của các ông lớn để hỗ trợ NH nhỏ là tốt. Một anh sức khỏe yếu kém thì có anh khỏe hơn hỗ trợ vẫn tốt hơn, tạo ra lòng tin của công chúng hơn.
Ông có thực sự tin tưởng vào năng lực của các NH quốc doanh?
Các NH quốc doanh uy tín lớn, dân không tin vào các NH đó thì còn tin vào ai nữa. Chính phủ luôn luôn đứng đằng sau, tin là như vậy. Nhưng nói điều đó không có nghĩa là chúng ta mặc nhiên yên tâm hoàn toàn, hay có tâm lý như vậy là tốt rồi. Chúng ta phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro, năng lực tài chính. Có như vậy mới có được những NH mạnh thực sự. Hiện nay nếu so sánh năng lực cạnh tranh của NH chúng ta với chuẩn quốc tế thì còn nhiều điều phải làm.
Tại cuộc họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ khẳng định không để xảy ra đổ vỡ NH. Chẳng lẽ có những NH yếu quá không thể tồn tại nhưng chúng ta vẫn không dám cho phá sản?
Tôi cho rằng điều đó đã được tính toán, cân nhắc trên cơ sở đánh giá
cơ bản rồi. Không để một NH nào phá sản ở thời điểm hiện nay cả. Điều đó
bao gồm cả 2 ý, một là mức độ hiện nay chúng ta thấy hoàn toàn có khả
năng xử lý và kiểm soát được mà không cần tính tới chuyện cho phá sản
hay đổ vỡ một NH nào cả. Thứ hai là trong điều kiện hiện nay không nên
để tâm lý người dân bị ảnh hưởng không tốt, ảnh hưởng tới cả hệ thống.
Giả sử có một NH nào đó yếu kém nếu chúng ta có chủ trương cho mua lại
thì rất nhiều NH sẵn sàng tự nguyện xin mua, sẵn sàng kết duyên với
nhau.