Trong hàng trăm nguyên nhân khiến dự án đầu tư triển khai chậm trễ, có không ít trường hợp đơn giản chỉ vì chủ đầu tư “vớ” phải nhà thầu kém năng lực hoặc ưa “quậy”. Khi nhà thầu phá bĩnh, chủ đầu tư đã phải méo mặt chạy theo giải quyết rắc rối trong khi tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Chủ đầu tư ăn “bánh vẽ”


Máy móc của nhà thầu Bachy bị cấm di chuyển khỏi công trường

Về các dự án chậm triển khai ở Hà Nội, Tiến sỹ Phan Thị Hương Thủy, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Long cho rằng, nguyên nhân có thể do chủ đầu tư kém năng lực hoặc do vướng mắc trong GPMB. Song cũng có những chủ đầu tư gặp phải rủi ro trong kinh doanh khi chọn nhầm phải nhà thầu thiếu thiện chí, dẫn tới dự án bị ngưng trệ. Dự án Trung tâm Thương mại - văn phòng - căn hộ cao cấp tại số 302 phố Cầu Giấy (Cầu Giấy) - do Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư và nhà thầu thi công là Công ty Bachy Soletanche Việt Nam - là một ví dụ điển hình. Ông Nguyễn Thành Đính, Phó TGĐ Công ty CP ĐTTMDV Cầu Giấy kể: “Hồ sơ chào thầu của Bachy “tán” rất hay nên dù giá bỏ thầu cao hơn nhiều nhà thầu khác nhưng chúng tôi vẫn chọn Bachy thi công hạng mục tường vây của dự án. Tổng giá trị trọn gói của gói thầu (gồm cả nhân công và vật tư), theo thỏa thuận ban đầu, khoảng 102,4 tỷ đồng. Đây là gói thầu rất quan trọng bởi các khâu tiếp theo đều phải chờ tường vây hoàn thành mới có thể triển khai được”.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Đính, để tạo điều kiện cho nhà thầu Bachy sớm triển khai công việc, từ ngày 23-8-2010, chủ đầu tư đã tạm ứng hơn 20,4 tỷ đồng để Bachy mua vật tư, thép và chuẩn bị thi công. Song, tháng 12-2010, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, nhà thầu lại đưa ra các “lý do” để trì hoãn thi công, không gia hạn Thư bảo lãnh cho tiền tạm ứng đã hết hạn; không tập kết nốt số máy móc thiết bị thi công còn thiếu tại công trường để “ép” chủ đầu tư phải chấp nhận phát hành Thư bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu trái với thỏa thuận giữa hai bên khi mời thầu. Nhà thầu còn đề nghị, chỉ nhận thầu phần nhân công, thay vì chịu trách nhiệm cả về vật tư như thỏa thuận ban đầu.

Dù cuối cùng chủ đầu tư đã thực hiện các yêu cầu này, chấp nhận rút giá trị gói thầu xuống còn 63 tỷ đồng (bê tông và thép do chủ đầu tư cung cấp), song mới thi công được khoảng một tháng, nhà thầu lại vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. nhà thầu không hoàn trả tiền tạm ứng, không phát hành Thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng và Thư bảo lãnh tiền tạm ứng.

Đặc biệt, nhà thầu đã tự ý ngừng toàn bộ hoạt động thi công trên công trường. Biên bản kiểm tra hiện trường được lập ngày 3-3-2011, với sự chứng kiến của CAP Dịch Vọng, đã xác nhận toàn bộ công trường “trong tình trạng không làm việc gì”. Kết quả, đáng ra hạng mục tường vây chỉ thi công trong khoảng 84 ngày là hoàn thành, nhưng do nhà thầu “quậy” nên tiến độ dự án bị ảnh hưởng. Không còn cách nào khác, hiện nay, chủ đầu tư buộc phải chọn nhà thầu khác thi công thay thế để đảm bảo tiến độ công trình.

Thiệt hại lớn

Liên quan tới vụ việc, đại diện Nhà tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam (MVN) cho rằng, việc nhà thầu Bachy tự ý ngừng thi công không có lý do chính đáng đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng hai bên đã ký kết. Nhà tư vấn MVN khẳng định, Bachy phải tiếp tục thực hiện hợp nhà thầu Bachy vẫn đang nợ tiền tạm ứng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế không những nhà thầu Bachy không thi công trở lại mà thậm chí còn không liên hệ hay thương lượng với chủ đầu tư. Tới nay, nhà thầu vẫn giữ khư khư 20,4 tỷ đồng tạm ứng, dù Biên bản làm việc giữa 2 bên đã nêu: “Nhà thầu Bachy có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ khoản tiền tạm ứng chậm nhất là vào ngày 15-2-2011”.

Từ hồ sơ vụ việc này, bà Phan Thị Hương Thủy cho rằng, khi dự án kéo dài, chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn: “Chỉ tính số tiền lãi vay ngân hàng do chủ đầu tư đã trót đầu tư mua thép, vật tư chất đống ở công trường nhưng nhà thầu không thi công đã lên tới trên 8 tỷ đồng/tháng. Tiếp đó, dù dự án không thi công, song vẫn phải chi phí trả tiền thuê tư vấn quản lý mỗi tháng hàng tỷ đồng. Rồi số tiền lãi vay phát sinh từ khoản tiền tạm ứng 20,4 tỷ đồng nằm “chết” trong tay nhà thầu... Đó là chưa kể đến những thiệt hại lớn chưa thể tính toán hết được do dự án chậm tiến độ...”.

Quá bức xúc vì đã tỏ rõ thiện chí mà nhà thầu Bachy vẫn bất hợp tác, không hoàn trả lại tiền tạm ứng và cũng không thi công, chủ đầu tư đã buộc phải khởi kiện ra TAND TP Hà Nội, yêu cầu nhà thầu hoàn trả tiền tạm ứng và đòi bồi thường thiệt hại. TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án, đồng thời có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm Công ty Bachy Soletanche Việt Nam dịch chuyển các máy móc, thiết bị ra khỏi công trường tại 302 phố Cầu Giấy, kể từ ngày 4-4-2011, để đảm bảo cho việc thi hành án.

Chưa rõ vụ án sẽ có kết cuộc ra sao song thiệt hại của xã hội như đã nói ở trên là rất lớn. Thêm nữa, với quá trình tố tụng có thể kéo dài hàng năm, thiệt hại theo đó sẽ tăng thêm nhiều tỷ đồng.

Theo Chính Trung (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 1