22/02/2021 9:17 PM
CafeLand - Các tổ chức đầu tư nước ngoài đang tập trung vào việc mua lại các bất động sản bán lẻ tại các khu dân cư lớn của Hồng Kông, vì họ kỳ vọng các hoạt động kinh doanh phục vụ cộng đồng địa phương sẽ duy trì khả năng phục hồi tốt hơn so với triển vọng không chắc chắn của các nhà bán lẻ ở ngành du lịch.

“Smart money (thuật ngữ chỉ dòng vốn từ các tổ chức và nhà đầu tư giàu kinh nghiệm) từ các quỹ đầu tư nhà nước của Mỹ và Trung Đông đang nghiêm túc tìm kiếm không gian bán lẻ đặt tại các khu dân cư lớn, sau khi thấy lợi suất đầu tư hàng năm tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua - từ 3 đến 4% so với 1 đến 2% ở thời điểm trước đó”, Oscar Chan, người đứng đầu thị trường vốn của JLL tại Hồng Kông cho biết.

Giá và tiền thuê cửa hàng có thể phục hồi từ 5 đến 10% trong năm 2021 sau khi giảm 70% so với mức đỉnh vào năm 2014, ông nói thêm.

Nhiều thương hiệu quốc tế, chủ yếu phụ thuộc vào khách du lịch, đã đóng cửa hoặc giảm tốc độ mở rộng tại các khu vực bán lẻ chính như Central, Causeway Bay và Tsim Sha Tsui. Số lượng du khách đến Hồng Kông giảm 94% xuống còn 3,57 triệu vào năm 2020, với triển vọng du lịch vẫn còn mờ mịt khi đại dịch đang hoành hành.

Chan cho biết ông đã quan sát thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư địa phương và tổ chức để mắt đến các cửa hàng ở các khu dân cư lớn như Tseung Kwan O, Yuen Long và Tin Shui Wai.

“Sẽ khó mua được cửa hàng nào nếu họ chờ thị trường bán lẻ trở lại bình thường. Khi đó, giá sẽ tăng lên. Doanh số bán lẻ của các khu vực lân cận sẽ tăng trở lại sau khi việc tiêm vắc-xin để ngăn chặn đại dịch Covid-19 có hiệu quả”, Chan bổ sung.

Khách thuê của các mặt bằng bán lẻ này là siêu thị, ngân hàng, cửa hàng tiện lợi và đại lý bất động sản, những lĩnh vực mà hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng quá nặng nề trong năm qua.

Robert Scholten, trưởng bộ phận tài chính bất động sản khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại ING Bank cho biết: “Các cửa hàng bán lẻ nổi bật tại các khu dân cư lớn có thể là một cơ hội đầu tư thú vị”.

Tuy nhiên, ông tin rằng ít nhất là trong nửa đầu năm nay, thị trường bán lẻ của Hồng Kông nói chung sẽ tiếp tục kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư đã chuyển hơn 38,5 tỷ đô la Hồng Kông (4,96 tỷ đô la Mỹ) vào việc mua lại các trung tâm thương mại lân cận tại Hồng Kông kể từ năm 2017.

Hầu hết các khoản đầu tư đến từ những tập đoàn lớn, bao gồm quỹ đầu tư tư nhân Hồng Kông Gaw Capital Partners, Goldman Sachs, China Great Wall Asset Management và Blackstone, đã mua 29 trung tâm thương mại bán lẻ với giá 35 tỷ đô la Hồng Kông (4,51 tỷ đô la Mỹ) từ Link Asset Management trong hai thương vụ riêng biệt vào năm 2017 và 2018.

Vào năm 2018, quỹ đầu tư bất động sản Phoenix có trụ sở tại Hồng Kông đã mua ba trung tâm thương mại ở Tseung Kwan O từ Wheelock với giá 3,38 tỷ đô la Hồng Kông (440 triệu đô la Mỹ). Và vào tháng 5 năm 2019, quỹ đầu tư tư nhân KKR của Mỹ đã đầu tư 180 triệu đô la Hồng Kông (23,22 triệu đô la Mỹ) cho 50% cổ phần trong khối đế bán lẻ tại khu dân cư phức hợp Lake Silver ở Ma On Shan, trước đó thuộc sở hữu của Wang On Group.

Gaw Capital nói rằng hoạt động bán lẻ tại các trung tâm thương mại phục vụ cộng đồng mà quỹ này góp vốn đang tăng trưởng tốt.

“Người Hồng Kông có thể sẽ ở lại thành phố trong dịp Tết Nguyên đán, và họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm thiết yếu mà các trung tâm thương mại của chúng tôi đang tập trung cung cấp”, Gaw Capital cho biết trong một tuyên bố. “Tuy nhiên, sự kết hợp của các yếu tố, như tỷ lệ thất nghiệp, sự bất ổn kinh tế và các biện pháp giãn cách xã hội đang làm cho các dấu hiệu phục hồi trở nên mờ mịt hơn ở hiện tại".

Reeves Yan, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận thị trường vốn tại Hồng Kông của CBRE cho biết: “Nhiều tổ chức đầu tư đang bày tỏ sự quan tâm đến khối đế bán lẻ trong khu dân cư hoặc trung tâm mua sắm ở khu vực lân cận vì nó mang lại tốc độ tăng trưởng giá thuê ổn định và bền vững”.

Nhưng tình trạng ngược lại đang diễn ra các bất động sản bán lẻ có quy mô lớn. Yan cho biết: “Các nhà đầu tư vẫn thận trọng đối với các cửa hàng trên các con phố vì chúng phụ thuộc nhiều vào chi tiêu của khách du lịch”.

  • Bán lẻ và những vấn đề cần giải quyết

    Bán lẻ và những vấn đề cần giải quyết

    CafeLand - Không quá khi nói rằng đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách thức hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Lý do dẫn đến điều này phần lớn là vì sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Lam Vy (SMCP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.