07/05/2021 4:31 PM
CafeLand - Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã trong thời gian ngắn khiến không ít thầu xây dựng lao đao. Người dân có kế hoạch xây, sửa chữa nhà cũng lo vỡ kế hoạch chi phí.

Dân than, thầu tìm mọi cách cắt lỗ

Đầu tháng 4, ông Kiệt (ngụ Tân Bình, TP.HCM) quyết định sửa sang căn hộ chung cư mình đang ở để đề phòng mùa mưa. Ban đầu, ông Kiệt chỉ định chống thấm, dột, sửa sang trần nhà và sơn phết tường, cửa với tổng chi phí 15 – 20 triệu đồng. Thực tế, khi bắt tay thực hiện, ông Kiệt đã phải bỏ ra 40 triệu đồng gia cố căn hộ của mình.

“Tiền công thợ các thứ là 15 triệu. Tôi thay thêm hai bộ cửa phòng ngủ, phòng tắm 9 triệu nữa là 24 triệu. Còn 16 triệu là tổng tiền vật liệu xây dựng. Mà đó là tôi tự đi mua vật liệu theo giá đại lý chứ không khoán cho thợ.” – ông Kiệt cho biết.

Theo ông Kiệt, mức tiền 40 triệu đồng để sửa sang căn hộ 60m2 theo đúng ý không quá lớn. Nhưng độ dư dôi so với dự tính ban đầu quá cao, đến từ sự gia tăng tiền nguyên vật liệu khiến ông choáng váng. Và nếu không sẵn nguồn tiền dự phòng, ông Kiệt sẽ khó có thể hoàn thành sửa sang căn hộ của mình.

Trong khi đó, ông Tân, một thầu công trình xây dựng ở Củ Chi, chia sẻ: “Tôi chỉ làm các công trình dân dụng nhỏ, kiểu xây dựng, sửa sang nhà cửa thôi. Tiền công thợ hiện tại không dưới 500.000 đồng/ngày, còn tiền nguyên vật liệu thú thật nếu khách hàng khoán hết trong hợp đồng, tôi cũng khó dám nhận, vì giá vật liệu tăng từng ngày, ký hợp đồng xong lỗ như chơi. Thành ra ai muốn sửa nhà, cất nhà tôi sẽ tới làm việc thẳng về giá cả, không làm thì đói, mà làm thì lỗ.”

Còn ông Tiến, một thầu công trình xây dựng ở quận 10 phân tích, thông thường, các chủ thầu để tiết kiệm chi phí sẽ mua nguyên vật liệu ở đại lý F1 theo tháng, có thể là mua sẵn 3 - 6 tháng để lấy giá sỉ, cắt lỗ, tùy quy mô công trình. Nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để mua nhiều như vậy một lúc. Thêm nữa, nhiều khách hàng, chủ đầu tư căn ke, làm đâu, thanh toán đó, nếu họ đi mua nguyên vật liệu thì dễ cho thầu rồi, nhưng đã thầu là thầu luôn nguyên vật liệu, mà đội giá lên cao quá thì tiền đâu chịu nổi. Mức lời chấp nhận được sau khi hoàn thành một công trình là từ 5 – 7%. Trong khi đó, dạo gần đây, giới thầu chúng tôi phải chống chịu trước cơn bão giá nguyên vật liệu, ai huề vốn hay lời chút đỉnh 3% đã là may. Ví dụ, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý 4/2020 là chỉ hơn 13.000 đồng/kg thì hiện thép này đã lên trên 18.000 đồng/kg, tăng tới 40%. Trong khi đó, giá thép do cơ quan chức năng như Sở Xây dựng niêm yết vẫn ở mức cũ. Nghĩa là nếu làm, chúng tôi sẽ lỗ khoảng 5000 đồng/kg thép.

“Có nhiều nhà thầu cắt giảm tiền công thợ, ăn chặn tiền công thợ, dẫn đến người thợ mất việc mà công trình cũng không được đảm bảo. Không phải tới giờ điều này mới xảy ra nhưng nếu tình trạng tăng giá kéo dài, e là việc này còn tiếp diễn nhiều, như thế chỉ khổ cho thợ” – ông Tiến đánh giá.

Nhiều chủ thầu xây dựng ở TP.HCM lao đao vì giá vật liệu xây dựng tăng

Lo ngại công ty xây dựng “biến mất”

Theo khảo sát thực tế, giá thép xây dựng trên thị trường đang neo ở mức trên 18.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm, giá thép vượt mức 18.500 đồng/kg. Một số mặt hàng vật liệu xây dựng khác như đá, cát, xi măng… giá cũng “nhảy múa” liên tục.

Tại một cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt, TP.HCM, chúng tôi ghi nhận mức giá vật tư có biên độ tăng từ khoảng 20 – 25% so với thời điểm đầu năm ở tất cả các mặt hàng. Đại diện của cửa hàng tiết lộ cho chúng tôi, mức giá chênh lệch khác nhau còn do các đại lý F2, F3 tự niêm yết trục lợi.

“Nếu muốn mua vật liệu xây dựng thì nên kiếm các cửa hàng, đại lý, chi nhánh F1 của mặt hàng đó mà mua. Giá chắc chắn tốt hơn từ vài chục đến vài trăm ngàn tùy mặt hàng. Ví dụ, muốn mua sơn Dulux, đến cửa hàng có chứng nhận F1 của Dulux mà mua, có thể quan sát trên biển hiệu sẽ thấy” – người này cho biết.

Lý giải về việc giá thép tăng kéo theo nguyên vật liệu tăng cao, ông Tiến, chủ thầu xây dựng phân tích: “Trong xây dựng, mật độ sắt thép rất lớn, chi phí thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng 1 căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng 1 căn nhà dưới đất. Như vậy, giá thép tăng đến 40%, tác động lên giá bán nhà không nhỏ, cứ theo đó mà tính lên coi thử giá nhà sẽ tăng đến mức nào”.

Trong khi đó, trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam lo ngại, trong vòng 5 năm tới, các công ty xây dựng ở Việt Nam sẽ biến mất, nếu không có cơ chế phù hợp, điều chỉnh giá bán vật liệu xây dựng.

  • Thắng lớn 2020, ngành thép Việt sẽ ra sao trong năm 2021?

    Thắng lớn 2020, ngành thép Việt sẽ ra sao trong năm 2021?

    CafeLand - Bất chấp những tác động của đại dịch vào nền kinh tế thế giới, ngành thép Việt trong năm 2020 đã có cú bứt phá ngoạn mục khi liên tục báo lãi, tăng giá vật liệu. Những con số không nói dối về chiến thắng của ngành thép Việt, trong bối cảnh thị trường thép thế giới lộ rõ sự “hụt hơi”.

Liên Thượng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.