Một khu căn hộ sử dụng tên gọi hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài ở TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
“Lộn tùng phèo cả lên”
Ông Vĩnh có hộ khẩu thường trú tại P.22, Q.Bình Thạnh. Đã 2 năm nay ông chuyển sang ở căn hộ 11.20, khối nhà D, lô J, chung cư tái định cư khu 17,3 ha (dành cho tái định cư các hộ dân bị giải tỏa), đường F, khu phố 1, P.An Phú, Q.2. “Nhưng đến nay tôi vẫn chưa rành lắm về cách ghi địa chỉ nơi mình ở. Mỗi người ghi mỗi kiểu lộn tùng phèo cả lên”, ông Vĩnh than. Ngay cả trong nhà ông Vĩnh, mỗi người cách ghi cũng khác nhau.
Theo trình bày của ông Vĩnh, trong đơn xin việc, ông “tạm ghi” địa chỉ mình ở là Lô J, chung cư tái định cư An Phú - Bình Khánh. Trong khi đó, con ông lại ghi là Lô J, chung cư Bình Khánh, “nhưng cũng chưa ai có ý kiến gì”. Giấy tờ chính thức của Ban quản lý chung cư lại ghi là chung cư An Phú - Bình Khánh. Trung tá Nguyễn Văn Tâm, Trưởng công an P.An Phú, thừa nhận cách ghi tên chung cư như vậy “cũng lằng nhằng thiệt”. Cư dân ở đây khi đi làm giấy tờ có người ghi số phòng, tên lô chung cư nhưng quên ghi khối nhà “nên có lúc tìm chết luôn”. “Để tiện cho việc quản lý, phường thống nhất cách ghi theo mẫu: số căn hộ, khối nhà, chung cư lô J, khu phố 1, P.An Phú”, ông Tâm cho biết.
Tại địa bàn nhiều quận, huyện khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chị Hà mua căn hộ ở khu căn hộ cao cấp Phú Hoàng Anh, số 9 đường Nguyễn Hữu Thọ, ấp 5, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (theo hợp đồng), nhưng khi đi làm giấy CMND, địa chỉ chị ở được ghi là “chung cư Phú Hoàng Anh, ấp 5, xã Phước Kiển, NB”. Theo lời chị Hà, do tên gọi chung cư dài quá nên người ta bảo không đủ chỗ để ghi trong giấy và phải viết tắt tên huyện (NB, thay vì viết đúng là Nhà Bè).
Tại chung cư TDH - Phước Bình, Q.9, hàng trăm cư dân tại đây cũng gặp rắc rối khi địa chỉ nơi ở quá dài, không thể cập nhật đầy đủ các loại giấy tờ. Điển hình là trường hợp của ông Lê Thanh Hà, chủ căn hộ số 303 chung cư TDH - Phước Bình. Ông Hà cho biết, khi đi đổi CMND, do không đủ chỗ nên địa chỉ nhà ông chỉ cập nhật số căn hộ, tên đường, phường mà không ghi tên chung cư, khu phố. Các loại giấy tờ khác cũng khó khăn khi ghi địa chỉ nhà vì quá dài. “Nếu muốn liên lạc gì sẽ rất khó tìm địa chỉ do ở khu vực này có rất nhiều chung cư. Trong khi đó, nếu muốn ghi đầy đủ thông tin phải là: Lê Thanh Hà, căn hộ 303 chung cư TDH - Phước Bình, tổ chung cư, khu phố 6, đường 6D, P.Phước Bình, Q.9, TP.HCM. Các loại giấy tờ hiện nay như CMND, bằng lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe... khổ nhỏ không thể ghi hết lên đó được”, ông Hà nói.
Theo phản ánh của các cư dân khác, do thông tin ghi không đủ trên các giấy tờ nên nhiều người thường phải lâm vào cảnh thư từ, giấy tờ gửi đến bị thất lạc hoặc không nhận được. Anh Trực, nhân viên thu cước của một công ty viễn thông cũng thừa nhận: “Việc tìm địa chỉ rất khó khăn vì nó cứ vòng vèo. Thu cước chỉ có 70 - 80 trường hợp nhưng lúc đầu phải vất vả cả ngày mới tìm ra hết được”.
Minh họa: DAD
“Để gọi cho sang”
Theo một chuyên gia về quy hoạch đô thị, hiện nay chưa có một quy định nào về việc yêu cầu các chủ đầu tư dự án phải đặt tên dự án như thế nào để dễ dàng cho người dân trong các hoạt động dân sự, làm giấy tờ, giao dịch… Mới đây Bộ Xây dựng đưa ra dự thảo không cho đặt tên dự án nhà ở bằng tiếng Anh đã vấp phải sự phản đối. Bản thân tên dự án là tiếng Anh hay tiếng Việt không quan trọng nhưng phải dễ dàng, ngắn gọn và thuận tiện cho người dân.
Vị này phân tích, đối với tên gọi dự án cũng chưa có một ràng buộc nào, chủ đầu tư muốn đặt tên gì thì đặt, dài ngắn ra sao cũng tùy. Có nhiều dự án do “trùm mền” mấy năm nay khởi động lại, chủ đầu tư đổi thành tên khác không giống như trong giấy phép xây dựng, quyết định đầu tư. Thậm chí nhiều dự án tên trong giấy phép xây dựng khác, còn tên chủ đầu tư giới thiệu ra ngoài thị trường khác, gây nhầm lẫn, khó khăn cho người dân.
TS Trương Hoàng Trương, Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển (CEFURDS), cho rằng cách đặt tên như hiện nay rất khó nhớ và thật sự gây khó khăn cho người dân. Ở Pháp cũng như một số nước châu Âu khác, chung cư và khu dân cư ít đặt tên mà lấy địa chỉ của con đường đó, thường có một cổng chung và tất cả các căn hộ được phân biệt theo khu A, B, C hoặc số… Chỉ cần biết địa chỉ rồi đến đó như nhà phố bình thường.
Người dân thực ra cũng sính tên ngoại, nhà đầu tư thì cũng muốn lấy tên ngoại “để gọi cho sang”, nói mình sống ở Sunrise City, Hoang Anh Gold House (đường Nguyễn Hữu Thọ), Gemadept Tower, The Lancaster (đường Lê Thánh Tôn)… “Bây giờ các hàng quán cũng lấy tên nước ngoài luôn nên có cảm giác sống ở nước nào chứ không phải ở Việt Nam. Nhiều người nước ngoài về thăm Việt Nam cũng than phiền với tôi về điều đó", TS Trương nói.
Để hạn chế trình trạng trên, theo TS Trương, “cần có những quy định cụ thể hơn về việc đặt tên cho dự án, nhưng cái quan trọng vẫn nằm ở chỗ ý thức của mỗi doanh nghiệp, đó cũng là cách để nâng cao lòng tự trọng, tự hào của dân tộc, chọn những tên, từ ngữ tiếng Việt cho phù hợp với từng dự án của mình”.
Tên nhà, địa chỉ ở Singapore ngắn gọn và thống nhất Thục Minh |