Năm 2008, các hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình được thông báo là toàn bộ khu vực này nằm trong vùng quy hoạch của Dự án xây dựng Công viên văn hóa Tràng An nên sẽ phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, họ vẫn chưa được chuyển đến nơi ở mới. Điều này gây không ít khó khăn cho người dân khi nhà cửa bị xuống cấp nhưng không được sửa chữa và không thể đầu tư phát triển sản xuất.
Nhà cửa xuống cấp
Từ năm 2008 đến nay, 68 hộ dân thôn Ích Duệ phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp, nhưng không thể xây mới hay sửa chữa. Cùng với đó, họ cũng không dám đầu tư phát triển sản xuất vì lý do là khu vực này nằm trong vùng dự án. Ông Bùi Văn Cường, một người dân trong thôn Ích Duệ cho biết: “Khi nhận được thông báo, 68 hộ dân chúng tôi rất vui vẻ chấp hành và sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho dự án để chuyển đến nơi ở mới. Thế nhưng gần 10 năm nay, dự án vẫn chưa được triển khai, điều này gây không ít khó khăn cho người dân khi không được xây dựng hoặc sửa chữa nhà khi nhà xuống cấp nghiêm trọng”.
Nhà chăn nuôi gia súc hư hỏng nặng nhưng ông Phạm Viết Phú vẫn không được sửa chữa.
Chỉ cho chúng tôi xem phần tường nhà bị nứt, có thể nhìn được ra bên ngoài, ông Cường bức xúc: “Gia đình tôi có 4 người sống trong căn nhà cấp 4. Do ngôi nhà xuống cấp đã lâu, nhiều lần các con tôi muốn sửa lại nhà cho chắc chắn, không lo bị dột, sập khi mưa bão, nhưng cũng không được chính quyền địa phương cho phép. Hơn nữa, nếu chúng tôi xây sửa lại thì khi Nhà nước giải tỏa không biết có được đền bù hay không?”.
Ông Phạm Viết Phú, một người dân khác tiếp lời: “Từ khi có quyết định quy hoạch xây dựng Công viên văn hóa Tràng An, tôi cũng như nhiều người dân trong thôn rất phấn khởi vì khi dự án hoàn thành sẽ trở thành khu du lịch, từ đó thúc đẩy sự phát triển của quê hương. Thế nhưng dự án mãi không thấy triển khai, khiến chúng tôi nghi ngờ về chủ trương này. Trần nhà tôi nứt chằng chịt, tường thì rêu mốc loang lổ nhưng gia đình tôi không dám xây sửa vì sợ vừa làm xong lại phải di dời thì tốn công sức, tiền bạc”.
Không chỉ nhà ở bị xuống cấp, công trình phụ, nhà chăn nuôi gia súc cũng đã bay hết ngói, nhưng gia đình ông Phú cũng không dám sửa lại vì chẳng biết sẽ di dời lúc nào. Để khắc phục, ông Phú đành lấy bạt phủ tạm. “Năm 2004, Nhà nước thu hồi hết ruộng đất của gia đình tôi, khiến chúng tôi không có việc làm, phải mua trâu, bò, dê về nuôi. Khi chúng tôi cho trâu, bò, dê ra diện tích đất cũ bị thu hồi tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để chăn thả thì bảo vệ của Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cấm, thậm chí họ còn phạt tới 1 triệu đồng/con. Vì thế chúng tôi phải tranh thủ ban đêm để chăn, thả, còn ban ngày thì không dám”-ông Phạm Viết Phú cho biết thêm.
Mong được an cư lạc nghiệp
Năm 2008, UBND tỉnh Ninh Bình có quyết định thu hồi đất của 68 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất để phục vụ dự án khu cây xanh, lòng hồ, Công viên văn hóa Tràng An. Nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 180 tỷ đồng. Thế nhưng, gần 10 năm qua mới chỉ bố trí được 20 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Nhất, cho biết: “Việc dự án xây dựng Công viên văn hóa Tràng An kéo dài khiến cuộc sống người dân địa phương gặp khó khăn là có thật.
Không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng đến nay dự án vẫn chậm được triển khai. Dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn vốn. Hiện nay, UBND TP Ninh Bình đang giao cho UBND xã tiến hành giải phóng mặt bằng khu tái định cư Cửa Bạc giai đoạn 2 để thực hiện tái định cư cho 68 hộ dân thôn Ích Duệ. Sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư, chúng tôi tiến hành đo đạc, kiểm đếm, đền bù cho 68 hộ dân rồi mới di chuyển đến nơi ở mới".
Mong muốn của người dân thôn Ích Duệ được chuyển đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống là hoàn toàn chính đáng. Rất mong các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình sớm triển khai dự án tái định cư cho 68 hộ thôn Ích Duệ để người dân sớm an cư lạc nghiệp và hạn chế khiếu kiện kéo dài.
Đức Thịnh (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.