03/12/2013 7:52 AM
Nhà cửa hơn hẳn nơi ở cũ nhưng người dân tái định cư phải từ bỏ nghề buôn bán nhỏ, lao động tay chân quen thuộc trong khi việc làm tại nơi ở mới không phải dễ tìm nên thu nhập bấp bênh

Sống bằng nghề bán xôi, bà Tăng Thị Phắng - ngụ phường 10, quận 5, TP HCM - hầu như không sáng nào vắng mặt ở cổng Trường Bổ túc An Đông. Đầu năm 2010, do nhà bị giải tỏa trong dự án chỉnh trang rạch Ụ Cây (quận 8), bà cùng 2 con ruột và người con dâu chuyển qua chung cư Tân Mỹ, quận 7 tái định cư (TĐC).

Bụng đói, nhà cửa khang trang làm gì!

Không thể bỏ nghề đã nuôi cả gia đình suốt 20 năm qua, bà Phắng vẫn đi đi về về hằng ngày từ quận 7 sang quận 5 để bán xôi kiếm sống. Mới đây, gặp chúng tôi, bà Phắng cho biết đã cùng mấy người con trở về chỗ ở cũ thuê nhà trọ để buôn bán, căn hộ bên chung cư Tân Mỹ thì cho thuê.

“Ở quận 7, sáng nào mẹ con tôi cũng vội vàng chạy sang quận 5 cho kịp giờ bán xôi nên rất cực. Nhiều hôm qua đến nơi, học sinh đã vào học nên 2 mẹ con đành đem xôi về ăn. Anh trai tôi chạy ba gác thuê, về quận 7 cũng mất mối chở hàng. Chưa kể ở chung cư phải trả nhiều loại phí. Nhà chung cư tiện nghi, khang trang hơn nhưng không tiện cho việc làm ăn, buôn bán. Gì thì gì, lo miếng ăn hằng ngày là quan trọng nhất” - chị Nguyễn Thị Kim Nguyên, con gái bà Phắng, giải thích.
Bà Tăng Thị Phắng phải cho thuê lại căn hộ tái định cư ở quận 7, quay về quận 5 thuê nhà để bán xôi mưu sinh

Vợ chồng ông Lê Văn Út là một trong những hộ chấp hành chính sách đền bù giải tỏa của dự án rạch Ụ Cây đầu tiên, dọn về chung cư Tân Mỹ từ đầu năm 2010. “Thời gian đầu về sống ở căn hộ mới, gia đình tôi rất mừng vì nhà cửa sạch sẽ, môi trường lại tốt hơn hẳn nơi kênh rạch hôi thối. Tuy nhiên, nỗi lo cơm áo gạo tiền đã lấn át niềm vui” - ông nhớ lại.

Lúc chưa TĐC, ông Út sống bằng nghề chạy xe ôm ở bến xe quận 8, mỗi ngày kiếm khoảng 100.000 đồng. Về nơi ở mới, do mất mối nên ông chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Vợ chồng người con trai của ông cũng thất nghiệp nên khó khăn càng chồng chất.

Bà Võ Thị Loan, vợ ông Út, cho biết tháng 7-2012, gia đình bà quyết định dọn về căn nhà của cha mẹ để lại ngay rạch Ụ Cây, căn hộ bên quận 7 cho thuê. “Chồng tôi trở về bến xe quận 8 chạy xe ôm, con trai đi dạy lái xe, tôi và con dâu buôn bán nhỏ trước nhà, cuộc sống có vẻ dễ thở hơn” - bà Loan khoe. Chỉ rạch Ụ Cây, ông Út ưu tư: “Tháng rồi, nước ngập tràn vào nhà, phải lội bì bõm nhưng cũng đành chịu đựng. Bụng đói thì ở nhà khang trang làm gì!”.

Dọn về khu TĐC Vĩnh Lộc B được gần 1 năm nay, gia đình bà Vũ Thị Hòa, bị giải tỏa trong dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, sống chủ yếu dựa vào xe nước mía đặt ngay vỉa hè chung cư. Bà Hòa cho biết lúc còn ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, gia đình có 4 phòng trọ cho thuê, bà bán thêm tạp hóa nên mỗi tháng kiếm được khoảng 4 triệu đồng, nay thu nhập chỉ còn 1/3. “Dạo này, dân TĐC đến đông hơn nên bán nước mía cũng đỡ, trước đây có ngày tôi bán chỉ được vài ly. Vợ chồng tôi cứ động viên nhau thôi thì được ở chỗ sạch đẹp hơn nên phải chịu” - bà Hòa rầu rĩ. Hộ bà Hòa may mắn được nhận căn hộ tại tầng trệt nên dễ buôn bán, còn những gia đình ở trên lầu thì “bó tay”.

Chê suất tái định cư

Tại khu chung cư Vĩnh Lộc B, lô A1.5 gồm 44 căn hộ nhưng hiện chỉ có 3 gia đình dọn về ở, lô A2.5 cũng đìu hiu không kém. Một chủ căn hộ ở tầng 4 lô A2.5 thấy chúng tôi đi lòng vòng tưởng là người tìm mua nhà liền mừng rỡ gọi lại. Khi biết không phải, ông giải thích: “Ở đây xa xôi quá, đi lại không tiện, quan trọng hơn là không biết làm ăn, buôn bán gì. Gia đình tôi lỡ nhận căn hộ rồi, giờ đang tìm cách bán lại, lấy tiền mua nhà chỗ khác mới sinh sống nổi”.

Theo ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) nhiều quận - huyện, có tới 70% hộ dân bị giải tỏa chọn nhận tiền để tự lo nơi ở mới, 30% nhận suất TĐC là căn hộ chung cư hay nền đất. Tỉ lệ người dân chọn suất TĐC ngày càng giảm trong vài năm nay.

Ông Phạm Duy Khoa, Trưởng Ban BTGPMB quận 7, lý giải: “Ngay cả khu TĐC có điều kiện tốt thì người dân cũng không thích vào vì họ muốn ở khu vực phù hợp với công ăn việc làm”. Theo ông, khi TP chủ trương đền bù theo giá thị trường, người dân chê suất TĐC nhiều hơn. Nhiều hộ nhận suất TĐC xong cũng chuyển nhượng lại.

Theo ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng Ban BTGPMB quận Thủ Đức, đối tượng TĐC hầu hết đều khó khăn, diện tích nhà đất bị giải tỏa nhỏ nên muốn nhận tiền đền bù để qua địa bàn lân cận mua đất cho rẻ. Tình trạng này cũng xảy ra ở quận 9.

Nặng gánh chi phí

Theo kết quả khảo sát đời sống của người dân sau TĐC do Cục Thống kê và Sở LĐ-TB-XH TP HCM thực hiện với 1.200 hộ trên địa bàn 12 quận - huyện, về công ăn việc làm, 45,5% cho biết vẫn như cũ, 16,5% giảm sút và 38% có cải thiện. Theo Cục Thống kê, do giải tỏa nên người dân mất đất sản xuất, chăn nuôi, mất mặt bằng kinh doanh, chỗ ở mới quá xa nơi làm việc... Phần lớn người TĐC làm công việc chân tay, trình độ hạn chế nên khi thay đổi chỗ ở rất khó tìm việc làm.

Các đơn vị khảo sát lưu ý khi TĐC, người dân phải trả quá nhiều loại phí: trả góp căn hộ, phí dịch vụ chung cư… Những hộ vay quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm còn phải trả nợ. “TĐC mà phải trả nhiều phí như vậy thì quả là gánh nặng rất lớn” - Cục Thống kê TP HCM nhận định.

Kỳ tới: Ba bên phải chung tay

Chủ đề: Tái định cư
Quý Hiển (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.