Kể từ khi cơ chế lãi suất thỏa thuận được áp dụng, mặt bằng lãi suất tiền đồng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh, sau đó giảm nhẹ theo chỉ thị của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, hiện nay mặt bằng lãi suất vẫn đứng ở mức cao. Vì sao như vậy? Bài viết này đưa ra câu trả lời dưới góc nhìn của thị trường.
Nghịch lý lãi suất

Từ nhiều tháng qua, lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức 13,5-14,5%/năm tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và 14-15,5% tại các NHTM cổ phần, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất là 15-17%/năm. Mặt bằng lãi suất đô la Mỹ cũng khá cao so với các nước khác, lãi suất cho vay trung dài hạn là 6-7% tại các NHTM nhà nước và 6,5-8% tại các NHTM cổ phần. Trong bối cảnh giá cả đầu vào tăng dần do nỗi lo lạm phát và sản xuất tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, mặt bằng lãi suất quá cao đã và đang gây nhiều khó khăn cho phần lớn các doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, lãi suất cao là do các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó khăn về nguồn vốn, trong đó quy định TCTD không được vay trên thị trường liên ngân hàng quá 20% vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp và Thông tư số 13 thắt chặt các quy định an toàn. Tuy nhiên, nếu loại trừ hai yếu tố này thì lãi suất cho vay vẫn không giảm với bằng chứng là nguồn vốn huy động trong chín tháng đầu năm tăng 21,5% và thị trường được coi là dư cung vì tín dụng chỉ tăng gần 18%. Vì thế, nguyên nhân sâu xa của lãi suất cao cần được nhìn nhận từ thực tế yếu kém của thị trường tài chính Việt Nam, trong đó nguyên nhân trực tiếp và nổi bật là do cơ chế lãi suất thỏa thuận đã cho phép các TCTD có quyền điều chỉnh lãi suất cho vay tùy theo tình hình thị trường và nhiều TCTD đã điều chỉnh tăng lãi suất theo định kỳ, nhưng người vay phải chấp nhận vô điều kiện, điển hình là đối với cho vay tiêu dùng với lãi suất trung dài hạn khoảng 17%/năm. Ngoài ra, giá vàng, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ tăng cao và lo ngại về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm cũng là những yếu tố khiến cho việc giảm lãi suất huy động của các TCTD gặp khó khăn. Nguyên nhân lãi suất cao có thể do TCTD phải huy động với lãi suất cao, nhưng chừng nào lãi suất cho vay còn cao thì vẫn có tình trạng “tạo sự khan hiếm tiền đồng” để trục lợi và mặt bằng lãi suất vì thế khó giảm nếu không nói là không thể giảm.

Hệ quả là khách hàng chỉ vay vốn ngân hàng trong trường hợp thật sự cần mà không thể tìm được nguồn vốn khác. Một số doanh nghiệp lớn phải phát hành trái phiếu với lãi suất 14-15%/năm, nhưng nếu tính toán kỹ thì cũng chỉ tương đương với vốn vay từ ngân hàng, thậm chí thuận lợi hơn về nhiều mặt.

Để quay vòng nguồn vốn huy động, một số ngân hàng chuyển sang phương thức kinh doanh khác với lợi nhuận cao và an toàn hơn, chủ yếu là trái phiếu chính phủ.

Hiện nay, phần lớn các ngân hàng trung ương đều điều hành thị trường tiền tệ bằng công cụ lãi suất. Tại Việt Nam, NHNN cũng sử dụng cách tiếp cận này, nhưng việc đan xen giữa các mức lãi suất do NHNN công bố và lãi suất cho vay do các TCTD tự định đoạt dường như chưa phù hợp ở một thị trường còn rất sơ khai lại phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp. Trong đó, các nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý và tiến độ điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật tạo cơ sở cho thị trường tiền tệ hoạt động lành mạnh lại không theo kịp những thay đổi thực tế của thị trường. Đặc biệt là hệ thống luật pháp lại thiếu các quy định đảm bảo cho các thị trường bộ phận hoạt động hiệu quả, dẫn đến sự méo mó thị trường và những nghịch lý về lãi suất.

Vị trí đặt quảng cáoLý giải từ góc độ thị trường

Hiện tại, NHNN quy định và công bố các loại lãi suất sau: lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trong đó, lãi suất cơ bản là cơ sở để các TCTD xác định trần lãi suất cho vay, kể cả trên thị trường liên ngân hàng. Mục tiêu của việc áp dụng lãi suất trần này là duy trì ổn định lãi suất thị trường, đồng thời giúp các ngân hàng nhỏ tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thực tế thấp hơn thị trường mặc dù những ngân hàng này có độ tín nhiệm không cao, có thể gây rủi ro cho hệ thống. Việc áp dụng trần cũng khiến cho lãi suất liên ngân hàng không phản ánh đúng nhu cầu vốn trên thị trường, nhiều ngân hàng thừa vốn không muốn cho vay trên thị trường này vì vướng trần lãi suất. Tuy nhiên, một số ngân hàng thiếu thanh khoản buộc phải vay với lãi suất vượt quá trần quy định. Tại nhiều thời điểm, lãi suất liên ngân hàng cao hơn lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố khiến cho những lãi suất này mất đi vai trò của mình là duy trì lãi suất thị trường ổn định trong phạm vi một hành lang lãi suất. Nguyên nhân là do lượng vốn mà NHNN sẵn sàng cung ứng qua kênh này còn hạn chế, thủ tục vay vốn còn khắt khe và phức tạp, các TCTD khó tiếp cận kênh cung ứng vốn này. Ngoài ra, phải kể đến tâm lý e ngại của các TCTD vì họ cho rằng, khi phải viện đến nguồn vốn của NHNN đồng nghĩa với TCTD đó có vấn đề về thanh khoản. Ngay trên thị trường repo cũng có những bất cập tương tự, nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất repo cao hơn lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn, như vậy là trái với thông lệ quốc tế do giao dịch repo về thực chất là giao dịch có bảo đảm và lãi suất phải thấp hơn so với giao dịch không có bảo đảm.

Cho tới nay, Việt Nam chưa xây dựng được một lãi suất chuẩn tương tự như lãi suất thị trường liên ngân hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới (chẳng hạn Vnibor đóng vai trò là lãi suất mục tiêu để định hướng thị trường). Việc tham khảo lãi suất Vnibor, hiện do Reuteurs xây dựng được cung cấp trên trang web Bloomberg, còn nhiều hạn chế do lãi suất này chưa phản ánh chính xác lãi suất thị trường vì nó được xây dựng dựa trên số liệu chào mua và chào bán do các ngân hàng cung cấp chứ không dựa trên lãi suất giao dịch thực tế. Như vậy, những biến động của các loại lãi suất này chưa thật sự là tín hiệu phản ánh đúng diễn biến của thị trường tiền tệ Việt Nam.

Việc thu thập, xử lý và công bố các thông tin về thị trường, nhất là thị trường tiền tệ còn rất thủ công, chưa dựa trên một phần mềm xử lý cơ sở dữ liệu lịch sử giúp dễ dàng trích xuất đồ thị theo chuỗi thời gian. Các TCTD vẫn chưa có được hệ thống quản lý vốn hoàn chỉnh tại hội sở chính để làm cơ sở tính toán cho các giao dịch trên thị trường, gây khó khăn cho việc đánh giá phân tích tình hình thị trường, ảnh hưởng xấu đến chất lượng hoạt động của các thành viên thị trường và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, khó ứng phó kịp thời khi có dấu hiệu mất ổn định của thị trường tiền tệ.

Những phân tích ở trên cho thấy, rất khó hạ mặt bằng lãi suất trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều bất cập, các thị trường bộ phận và thành viên thị trường còn bị phân khúc, phát triển manh mún. Vẫn còn tình trạng các TCTD ưu tiên cho vay, hoặc gửi tiền trong nhóm với nhau. Vì thế, giải pháp đưa ra cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam, trước mắt là sự phối hợp hiệu quả giữa NHNN và Bộ Tài chính trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland