CafeLand - Sau công văn cảnh báo, yêu cầu ổn định định lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới các ngân hàng thương mại (NHTM), mặt bằng lãi suất không có dấu hiệu giảm. Giới chuyên gia tài chính cho rằng, từ nay tới cuối năm 2019, lãi suất sẽ rất khó giảm.

Không giảm

Trước thực tế có nhiều ngân hàng đột ngột tăng mức lãi suất huy động lên cao, cuối tháng 8 vừa qua, NHNN đã phát đi công văn số 6669/NHNN-CSTT, yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động và sẽ có hình thức xử phạt nếu tổ chức tín dụng nào định “lách” trần lãi suất.

Theo NHNN, “động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ”. Tổ chức tín dụng nào vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN có thể bị thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, sau công văn nêu trên, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng tín dụng trong tháng 9 không bớt “nóng”.

Lãi suất cuối năm 2019 khó giảm

Cụ thể, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 6,5-7,8%. Trong đó, có những ngân hàng có mức lãi suất lên tới 8,5%. Như ngân hàng An Bình (ABBank), mức lãi suất tiền gửi lên tới 8,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân.

Tại Ngân hàng OCB, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 8,2%/năm, tăng 0,3% so với lãi suất niêm yết tháng 7/2019.

Ngân hàng SHB cũng điều chỉnh tăng lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi tăng mạnh từ 6,8-6,9%/năm lên 7,8%/năm. Đối với kỳ hạn 9, 12 và 13 tháng, mức lãi suất tối đa được điều chỉnh tăng lần lượt lên mức 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm.

Ngân hàng VIB kỳ hạn 7 tháng có lãi suất là 7,4 %/năm, 12 tháng là 7,99 %/năm, 18 tháng là 7,9%/năm.

Ngân hàng Bản Việt cũng có mức lãi suất khá cao. Với kỳ hạn 6 tháng lãi suất ghi nhận là 7,4%/năm, 7 tháng lãi suất 7,8%/năm và 12 tháng lãi suất là 8,0%/năm. Các khoản tiết kiệm kỳ hạn trên 1 năm, Ngân hàng Bản Việt áp dụng lãi suất 8,3%, 18 tháng là 8,5%.

…và khó giảm

Thực tế, lãi suất tiền đồng được nhận định khó giảm trên diện rộng trước chính sách giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Lãi suất với các khoản vay tiêu dùng, vay mua nhà… lại được các nhà băng điều chỉnh tăng.

Hiện lãi vay mua nhà tại các ngân hàng phổ biến ở mức 12-13%/năm. Mức ưu đãi 9-10%/năm chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian từ 3-12 tháng, sau đó cộng thêm biên độ khoảng 3,5-4%/năm.

Đa số các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng theo xu hướng dự báo cầu vốn sẽ tăng mạnh trong hai quý cuối năm 2019. Còn với các khoản vay liên quan tới bất động sản sẽ tăng do chi phí đầu vào được các nhà băng điều chỉnh tăng.

Ðây cũng là thời điểm kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp, nên ngân hàng không ngại tăng lãi suất để huy động tiền gửi, nhất là với chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên đến 10,2%/năm với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-9,5%/năm ở kỳ hạn trung và dài.

TS. Phạm Sỹ Thành, Trường Ðại học Kinh tế, Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm sẽ khó giảm, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang phải cạnh tranh huy động vốn, đặc biệt ở kỳ hạn dài, để “gối đầu” khi vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị hạn chế theo lộ trình.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín cũng nhận định, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ rất khó giảm, nhất là trong bối cảnh, các ngân hàng vẫn tiếp tục chạy đua cạnh tranh, đẩy lãi suất huy động ở kỳ hạn trung và dài hạn.

Cụ thể, việc tăng lãi suất chủ yếu tăng ở các kỳ trung và dài hạn để các ngân hàng chuẩn bị đáp ứng yêu cầu quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống còn 30%.

Tuy nhiên, theo ông Tín, các ngân hàng lớn sẽ ít tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất. Thông thường các cuộc chạy đua tăng lãi suất sẽ xảy ra tại các ngân hàng nhỏ để cạnh tranh giành thị phần, giành khách hàng.

Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với lộ trình theo hai phương án.

Phương án 1: tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%; từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%.

Phương án 2: tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung - dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm về 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021; từ 1/7/2021 đến 30/6/2022 hạ xuống 34% và từ 1/7/2020 giảm xuống 30%.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.