Thị trường bất động sản trong năm 2012 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Thành Long |
Theo
báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, các giao dịch BĐS, kể cả giao dịch
thông qua hệ thống sàn giao dịch BĐS và không qua sàn đều chững lại
trong năm 2011. Đặc biệt, giao dịch trong quý III/2011 rất thấp. Qua
tổng hợp báo cáo của các sàn giao dịch trên địa
bàn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2011 có khoảng 2.700 giao dịch thành
công, trong quý III/2011 có khoảng 900 giao dịch thành công. Thị trường
BĐS chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị, nhưng khối lượng, giá trị
giao dịch và biến động lớn vẫn chủ yếu tại khu vực phía Tây, Tây Nam.
Sự
suy giảm của thị trường BĐS cũng đồng thời bộc lộ rất nhiều vấn đề bất
cập, đó là cơ cấu hàng hóa BĐS trong lĩnh vực nhà ở đang mất cân đối
nghiêm trọng, thị trường thiếu chủng loại nhà có quy mô vừa và nhỏ, có
giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Năng lực của các doanh
nghiệp tham gia thị trường BĐS còn yếu. Đây cũng là những nguyên nhân
dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững của thị trường này trong thời gian
qua.
Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tình trạng doanh nghiệp tham gia đông về số lượng nhưng yếu về năng lực chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững của thị trường BĐS. Phân tích về thực lực của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp ngành xây dựng đang ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.
Sẽ dễ thở hơn
Ông
Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, hầu hết các
doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ thực hiện các biện pháp hạ lãi suất
để giúp vực dậy thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều
chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh
doanh đầu tư BĐS nói riêng sẽ không thể phát triển khi những bất ổn của
nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù còn nhiều khó khăn
song theo quan điểm của ông Hiếu, từ nay đến cuối năm và kéo sang cả
năm 2012, có thể sẽ xuất hiện thêm một vài dự án hạ giá bán nhưng để
hiện tượng này lan thành làn sóng trên diện rộng trong thị trường BĐS
khó xảy ra.
Kể
từ đợt suy thoái năm 2008 đến nay, mặt bằng giá BĐS đã suy giảm rất
nhiều và dần quay về giá trị thực trên thị trường. Hiện tại giá bán trên
thị trường đã gần chạm đáy, nếu tiếp tục hạ giá bán thấp hơn doanh
nghiệp sẽ bị lỗ (trừ khi buộc phải bán tháo để trả nợ ngân hàng). Ngoài
ra, việc đại hạ giá trên diện rộng sẽ tạo tâm lý tiêu cực trên thị
trường, nhà đầu tư sẽ có xu hướng chờ đợi giá giảm thấp hơn nữa và thị
trường sẽ càng rơi vào trầm lắng.
Việc giảm giá dự án trong thời gian qua là do áp lực siết nợ từ phía ngân hàng theo yêu cầu của Chính phủ đến 31/12/2011 phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 16%. Tuy nhiên, trong ngày 14/11 vừa qua, NHNN đã có văn bản cho phép loại một số nhóm tín dụng ra khỏi dư nợ phi sản xuất, trong đó có 4 nhóm liên quan đến BĐS. Mặc dù tác động của chính sách đối với thị trường chưa thật sự lớn nhưng ít nhiều cũng làm giảm bớt áp lực về giảm tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất của các ngân hàng. Từ đó áp lực siết nợ của ngân hàng lên các doanh nghiệp cũng giảm bớt. Việc "giải tỏa" hạn chế tín dụng cho 4 nhóm đối tượng nêu trên trước mắt đã mang lại hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý cho thị trường và sẽ giải quyết phần nào vấn đề cung - cầu. "Những chỉ đạo và động thái mới của Chính phủ trong thời gian gần đây cũng sẽ tạo ra một "sự nâng đỡ" về tâm lý rất tốt cho thị trường do đó hy vọng mặt bằng giá sẽ ổn định hơn trong thời gian tới" - ông Hiếu đánh giá.