03/10/2013 2:37 PM
Dự án Bright City (Hoài Đức, Hà Nội), một trong những dự án sớm được chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi từ nhà ở thương mại (NoTM) sang nhà ở xã hội (NoXH) đang bị hàng trăm khách hàng phản đối quyết liệt bởi lẽ chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi dự án khi chưa hỏi ý kiến khách hàng.

Khách hàng bị qua mặt

Ngày 19-4-2011, anh Nguyễn Văn Quân ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) ký hợp đồng đặt cọc 256/09A1-08/01/DC11-TL01 để đảm bảo ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án Bright City - AZ Thăng Long với Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long. Số tiền đặt cọc ghi trong hợp đồng hơn 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, hết thời hạn đặt cọc hợp đồng, Công ty Thăng Long vẫn chưa ký hợp đồng mua bán căn hộ với anh Quân. Từ ngày 31-10-2012 đến nay, anh Quân đã nhiều lần yêu cầu Công ty Thăng Long phải thanh lý hợp đồng và hoàn trả số tiền đã đặt cọc trong hợp đồng cùng với tiền phạt cọc tính đúng theo điều khoản trong hợp đồng và những khoản tiền chênh công ty đã thu thêm, nhưng vẫn chưa được thực hiện. Không có nhà, không được hoàn tiền, lại biết chủ đầu tư đã âm thầm xin chuyển đổi dự án sang thành NoXH, anh Quân đã rất bức xúc.

Cùng tâm lý này, hàng trăm khách hàng đã ký hợp đồng đặt cọc tại dự án Bright City cũng như ngồi trên lửa khi chủ đầu tư không chấp nhận thanh lý hợp đồng với lý do “có thể dẫn đến phá sản”, nhưng lại xin chuyển đổi dự án mà không có sự đồng ý của những người đã đặt cọc mua nhà.

Theo ý kiến của các khách hàng, việc chuyển đổi sang NoXH sẽ khiến khách hàng chịu rất nhiều bất lợi. Trước tiên, giá thành NoTM và NoXH khác nhau, sẽ khiến những người mua trước gặp nhiều thiệt thòi. Nhưng quan trọng hơn, khi chuyển đổi diện tích căn hộ sẽ bị khống chế, một số tiện ích bị cắt giảm, dịch vụ cũng sẽ không còn như trước… “Nếu dự án chuyển sang NoXH, đó không phải là lựa chọn ban đầu của chúng tôi” - anh Quân cho biết.

Cần thận trọng khi xét duyệt

Bright City từng là dự án gây nhiều ngạc nhiên khi nhanh chóng được UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi sang NoXH, cùng với khu nhà ở Trung Văn mở rộng tại Từ Liêm và khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà số 143 Trần Phú (Hà Đông). Bởi lẽ, dự án này đã từng xảy ra rất nhiều bê bối, như huy động tiền của khách hàng nhưng không triển khai, cũng không hoàn trả.

Cùng với đó là những sai phạm của chủ đầu tư AZ Land (Công ty mẹ của Công ty Thăng Long) tại nhiều dự án khác. Theo đại diện chủ đầu tư, trong trường hợp của Bright City, chủ đầu tư không sai bởi với các khách hàng này, chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng đặt cọc mua nhà và không ký hợp đồng góp vốn hay hợp đồng mua bán nhà, nên phù hợp với quy định. Hơn nữa hợp đồng đặt cọc này được ký trước khi Thông tư 02 của Bộ Xây dựng ra đời.

Theo ông Phan Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc CTCP BĐS AZ, phía công ty đã tiến hành hỏi ý kiến khách hàng, trong đó có khách hàng đồng ý và khách hàng không đồng ý. Sau khi dự án được chính thức chuyển đổi, những khách hàng không tiếp tục theo dự án sẽ được thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, anh Quân cho rằng nếu dự án được phép chuyển đổi, tức công nhận hình thức huy động vốn của chủ đầu tư là đúng luật thì phải được sự đồng ý của toàn bộ khách hàng mới được phép chuyển đổi. Còn nếu như hình thức huy động vốn này không đúng luật, các cơ quan chức năng phải thu hồi giấy phép đầu tư theo như cam kết ban đầu. “Khách hàng rõ ràng đã nắm đằng lưỡi và đang chạy theo một dự án nhập nhằng từ ngay ban đầu. Kể cả được thanh lý hợp đồng, thiệt hại khi đổ vốn vào dự án trong 2 năm qua là quá lớn” - anh Quân cho biết.

Theo Thông tư 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án NoTM, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi sang NoXH, việc chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng NoTM sang NoXH, hoặc công trình dịch vụ trong trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng, trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.

Theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ vin vào việc mới chỉ ký “hợp đồng đặt cọc”, không phải là “hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán” nên không cần hỏi ý kiến khách hàng khi xin chuyển đổi là việc làm không có trách nhiệm. Bởi lẽ, chủ đầu tư đã giữ tiền đặt cọc của khách hàng trong suốt thời gian gia hạn mà không thực hiện chuyển đổi sang hợp đồng mua bán. Vì vậy, việc xem xét chuyển đổi dự án này, thậm chí nhiều dự án khác, cần hết sức thận trọng.

Trước đó, theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), Sở Xây dựng đã có văn bản thông báo với chủ đầu tư tạm dừng việc xem xét chuyển đổi, khi nào chủ đầu tư thỏa thuận xong với khách hàng và đủ điều kiện sẽ xem xét tiếp.

Khôi Nguyên (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.