10/09/2011 12:57 AM
Ông chủ của Cty cổ phần tập đoàn nhựa Đông Á (gọi tắt Cty Đông Á), vừa có đơn tố cáo một đối tác cũng là chủ một doanh nghiệp lừa đảo hơn 20 tỷ đồng. Còn đối tác cũng có đơn gửi cơ quan chức năng khẳng định mình không lừa. Câu chuyện xuất phát từ việc cả hai đối tác không rành rẽ luật pháp, khi hợp tác làm ăn.
Khi đại gia tố nhau chuyện bị lừa

Toà cao ốc văn phòng không thành hiện thực, các ông chủ tố nhau lừa đảo (ảnh mô hình tòa văn phòng của Cty Tây Đô).

Từ hợp tác thành cổ đông


Ông Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch HĐQT Cty Đông Á kể, năm 2006, ông quen ông Nguyễn Đức Long, cũng là Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần tư vấn đầu tư Tây Đô (Cty Tây Đô) trên sân tennis. Từ chuyện chơi tennis, dẫn đến chuyện hùn vốn làm ăn.


Khi đó, ông Long khoe mình có trong tay lô đất 2.610 m2 tại thôn Thượng, xã Mễ Trì, đang lập dự án “Văn phòng cho thuê” (cao 20 tầng; gồm 03 tầng ngầm + 17 tầng nổi). Ông Long cùng vợ là bà Trịnh Thị Hải Yến (Giám đốc Cty Tây Đô) nói thiếu vốn, mời ông Hùng góp vốn đầu tư.


Mảnh đất trên nằm tại một vị trí đắc địa, đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia, một mặt cạnh đường Láng - Hoà Lạc, có nguồn gốc đất nông nghiệp, do vợ chồng ông Long mua gom của những người dân sở tại, nếu làm được dự án cao ốc quả là lý tưởng. Ông Hùng đã đồng ý tham gia đầu tư dưới hình thức Cty Đông Á góp vốn vào Cty Tây Đô.


Hồ sơ pháp lý thể hiện, ông Hùng với tư cách người đại diện của Cty Đông Á, góp 50% vốn điều lệ của Cty Tây Đô, trên tổng vốn điều lệ 63 tỷ đồng, tương đương 31,5 tỷ đồng.


Ngày 9-8-2007, Cty Tây Đô được Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, gồm ba cổ đông: ông Long, bà Yến và Cty Đông Á do ông Hùng đại diện. Với việc chiếm cổ phần chi phối, từ một nhà đầu tư ông Hùng thành Chủ tịch HĐQT Cty Tây Đô.


Trước đó, ngày 1-8-2007, để chắc ăn, hai bên đã lập “Biên bản thỏa thuận” góp vốn đầu tư, trong đó định giá lô đất 50 tỷ đồng (phần vốn góp 50% của Cty Đông Á đã bao gồm cả 50% giá trị lô đất).


Để chắc ăn, bản thỏa thuận còn giao trách nhiệm cho Cty Tây Đô: “Hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý về dự án. Trong trường hợp các cổ đông hiện hữu của Công ty Tây Đô trong thời hạn 06 (sáu tháng) kể từ ngày 1-8-2007 không hoàn chỉnh được các thủ tục pháp lý cho dự án như đã thỏa thuận; các cổ đông hiện hữu của Cty Tây Đô có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, vốn mà Cty Đông Á đã góp vốn vào Tây Đô và cộng thêm 1% (một phần trăm) lãi suất một tháng cho số tiền trên”.


Đến ngày 2-1-2008, Cty Đông Á đã có 6 lần chuyển cho Cty Tây Đô, tổng cộng là 20 tỷ đồng. Ông Hùng cho biết: “Sau khi chuyển tiền, tôi phát hiện Cty Tây Đô dùng tiền đó vào việc khác, chứ họ không giữ lại để thực hiện dự án theo đúng mục đích góp vốn và cam kết. Trong khi thủ tục pháp lý dự án không chuyển biến gì. Vì thế tôi phải ngừng chuyển tiền”.


Nghi ngờ của ông Hùng thành sự thật, khi bà Yến đưa ra một văn bản của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, số 1210 ngày 17-8-2007, trả lời việc Cty Tây Đô lập dự án cao ốc không phù hợp quy hoạch. Đến khi đó, ông Hùng mới ngã ngửa, đòi tiền, yêu cầu giải trình về việc sử dụng khoản tiền 20 tỷ đồng trên không đúng mục đích, ông Long và bà Yến không giải trình được.


Ngoài thương vụ trên, ông Hùng cùng vợ là Trần Thị Lê Hải (Tổng GĐ Cty Đông Á) còn mua 650 m2 đất nông nghiệp, giá 6,5 tỷ đồng của vợ chồng ông Long ở Chũng Bói (Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng do không chuyển được mục đích sử dụng như thỏa thuận, nên ông Hùng cũng đòi lại tiền. Bị đòi rát mặt, tháng 8-2009, vợ chồng bà Yến đành trả 5 tỷ đồng, chuyển qua tài khoản Cty Đông Á.


Góp tiền vào có rút được ra?


Với thương vụ góp vốn đầu tư dự án cao ốc văn phòng, ông chủ Cty Đông Á, có rút được tiền về không? Câu chuyện khiến người ta liên tưởng tới các cổ đông của Cty Dược phẩm Viễn Đông. Khi nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu, họ chỉ có thể rút vốn thông qua việc bán cổ phiếu trên thị trường, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp trả lại tiền đã mua. Còn nếu chẳng may Cty phá sản, cả đống tiền đầu tư có cơ thành giấy vụn.


Luật cấm cổ đông rút vốn nhưng các doanh nhân lại thỏa thuận được rút vốn, lại còn có trả lãi. Còn bên nhận vốn góp, lại lấy tiền góp vốn điều lệ vào Cty để chia cho các cổ đông chi tiêu riêng, thì quả là quá hồn nhiên.

Qua vụ việc này, mới thấy những ông chủ tưởng chừng rất từng trải trên thương trường lại rất hạn chế về hiểu biết pháp luật. Đây là bài học cho các doanh nhân khi làm ăn, cần có cán bộ tư vấn pháp luật, tránh những rủi ro không đáng có” - Một chuyên gia pháp luật bình luận

Cái lý mà ông chủ Cty Đông Á hối thúc đòi vợ chồng ông Long trả lại tiền, là ở bản thỏa thuận, sau 6 tháng góp vốn Cty Tây Đô không lo được thủ tục, thì ông Hùng có quyền rút vốn, lại còn được hưởng lãi suất.


“Họ đã lừa chúng tôi. Nay vợ chồng ông Long không trả được, tôi có quyền tố cáo họ với cơ quan điều tra, vì đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Hùng nói.


Trong thương trường, các thương gia khi làm ăn có thể thỏa thuận tuỳ ý, miễn không trái pháp luật. Còn nếu họ dù cố tình hay vô tình thỏa thuận trái pháp luật, khi phải đưa nhau ra toà, văn bản thỏa thuận đó bị tuyên vô hiệu. Khi đó, rủi ro hai bên tự gánh.


Theo Điều 80 Luật Doanh nghiệp, thì cổ đông phổ thông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Như vậy, trường hợp này, thỏa thuận trên ít nhất cũng bị vô hiệu từng phần (phần rút vốn). Nên ông chủ Hùng, không thể rút vốn, mà chỉ có thể bán lại cổ phần đó.


Tuy nhiên, theo một chuyên gia pháp luật, ông chủ Hùng, với tư cách Chủ tịch HĐQT Cty Tây Đô, có quyền truy xét khoản tiền 20 tỷ mà ông đã đầu tư vào Cty để thực hiện dự án đã được chi tiêu ra sao? Nếu trường hợp bà Yến không giải trình được, có thể phải chịu tội tham ô.


Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Yến thành thật: “Tôi nghĩ số tiền đó là tiền ông Hùng mua 50% giá trị mảnh đất nên đã chia cho ba cổ đông là tôi, chồng tôi và bà Loan chi tiêu riêng”.

Theo Nhật Anh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.