Theo chuyên gia xây dựng TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Việt Nam chia ra làm nhiều khu vực động đất khác nhau. Ví dụ Hà Nội thuộc khu vực động đất cấp 7 theo hệ MCS, tuy nhiên, theo quy định thì công trình sẽ phải thiết kế tăng lên 1 cấp, tức là đủ khả năng ứng phó với động đất cấp 8.
"Công trình xây dựng phải chịu được tải trọng đứng và tải trọng ngang. Trong đó nhà cao tầng chịu tác động rất lớn bởi tải trọng ngang, gồm tải trọng gió và tải trọng động đất. Để chống động đất, công trình phải chịu được tải trọng ngang, có lõi cứng để chịu được rung lắc", chuyên gia cho hay.
Quy định là vậy nhưng thực tế công trình hiện nay như thế nào thì thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có giám sát các chủ đầu tư hay không.
Ông Liêm cảnh báo: Trong quá khứ, Việt Nam từng có những trận động đất lớn, làm đổ nhà cửa như tại Điện Biên Phủ. Do đó, không nên chủ quan với động đất.
Còn PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Thiết kế công trình xây dựng phải phụ thuộc vào điều kiện địa chất ở các khu vực. Nếu công trình nằm trong vùng động đất thì phải thiết kế theo tải trọng của động đất gây ra.
"Các địa phương khi xem xét hồ sơ thiết kế bao giờ cũng phải đặt vấn đề nếu công trình nằm trong vùng có cấp động đất thì đã thiết kế theo cấp động đất chưa. Chúng ta nằm trong vùng động đất nhỏ, cùng với đó các kết cấu hiện nay đặc biệt là kết cấu nhà cao tầng bê tông cốt thép được kiểm soát tốt. Chúng ta cũng có quy chuẩn, tiêu chuẩn đối phó với động đất nên người dân có thể yên tâm", ông Chủng trấn an.
Cũng theo vị chuyên gia này, nước ta không nằm trong vùng vành đai lửa Thái Bình Dương nên động đất thường là cấp độ trung bình. Khu vực Hà Nội hiện nay đã có bản đồ phân vùng về cấp động đất. Các công trình ở Hà Nội hiện nay đều được thiết kế, tính toán đến tải trọng của động đất và gió bão. Động đất ở Hà Nội chủ yếu là cấp 7 một vài vùng có cấp 8. Những rung chấn vừa rồi không quá lo ngại.
Lời nhắc nhở từ những rung lắc nhẹ
Theo các chuyên gia, sau vụ động đất vừa qua, ban quản lý các tòa nhà phải tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ của những rung chấn ấy. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cần thực hiện điều tra khảo sát. Nếu thấy xuất hiện những vết nứt, vỡ phải khảo sát ngay để có đánh giá.
“Những rung chấn vừa qua không gây nứt vỡ cho công trình, đặc biệt là công trình cao tầng ở Hà Nội. Hiện tượng đèn, quạt treo lung lay là những rung lắc trong tầm kiểm soát”, ông Chủng nhận định.
Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là cơ quan thẩm định khi xem xét những hồ sơ thiết kế phải đặt vào những vùng địa chất nhất định; nhiều khi chủ đầu tư lảng tránh bởi chi phí rất tốn kém.
“Xây dựng công trình theo cấp động đất tăng lên 1 cấp thì chi phí tăng gấp rưỡi. Vì vậy, trong quy chuẩn khuyến cáo công trình bắt buộc phải xây trong vùng động đất thì buộc phải tính toán, nếu không thì nên chuyển ra vùng ít ảnh hưởng của động đất hơn” – ông Chủng cho hay.
Như thông tin báo Tin tức đã đưa, sáng 8/9, người dân một số quận tại Hà Nội cảm thấy nhà rung chuyển, người chóng mặt như bị tụt huyết áp, nhất là trên các chung cư cao tầng. Viện Vật lý Địa cầu cho biết, những rung lắc này là do ảnh hưởng của lan truyền chấn động từ một trận động đất xảy ra tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118km.