Trong tình trạng đang chạy đôn chạy đáo xoay sở tìm vốn đầu tư, anh Nguyễn Trung Anh – đang làm việc tại một dự án chung cư khu đô thị Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều dự án bất động sản đã khởi công từ đầu năm song do thiếu vốn đành đắp chiếu để đó, một số công trình đang thi công phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ.
"Công trình chung cư tại đô thị Trung Văn được khởi công từ cuối năm ngoái, theo kế hoạch sẽ bắt tay vào đẩy mạnh xây dựng trong năm nay. Nhưng, sau lễ động thổ chẳng bao lâu, dự án vẫn ở trạng thái… đâu còn đó", anh Trung Anh cho hay.
“Khoảng hơn 2 tháng nay, công trình của chúng tôi đã tạm dừng thi công vì đói vốn. Một số anh em chủ chốt bám trụ lại công trình để kết hợp cùng với bảo vệ trông coi vật liệu xây dựng. Mấy ngày qua, rất nhiều thanh sắt đặt sẵn để chờ đổ cột trụ đã bị những người nhặt đồng nát cắt trộm. Đau xót lắm nhưng không sao được.” – anh nói như than.
Thông thường, khi thiếu vốn, các mặt hàng vật liệu xây dựng sẽ bị hạn chế khi lưu thông hàng hoá (tức là ế). Nhưng, những ngày này, lại xuất hiện một cảnh tượng khác hoàn toàn. Mặc dù nhiều dự án tạm dừng thì giá vật liệu trong ngành xây dựng vẫn tăng ùn vụt khiến nhiều công trình xây dựng đang phải xoay xở với các khoản chi vượt trên dự tính.
Dàn giáo nằm chơ vơ, công trình vắng bóng thợ thuyền |
Không chỉ đói vốn, giá vật liệu xây dựng tăng càng không chỉ ảnh hưởng tới các dự án lớn mà không ít công trình tư nhân cũng bị đình trệ.
Anh Nguyễn Văn Đức, một chủ thầu tư nhân ở Thịnh Liệt, Thanh Trì khẳng định, hiện giá xi măng Bỉm Sơn tăng khoảng 400.000 đồng/tấn so với thời điểm trước tết. Giá gạch tăng chừng 500 đồng viên.
Ngay như cát đá cũng phải nhích lên chút ít. Đã khó càng khó hơn, trong khi đang ít tiền mà giá vật liệu cao, buộc chúng tôi vẫn phải cho dừng xây dựng cho dù biết rằng nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều anh em công nhân. Khi công trường đang thi công ngổn ngang phải dừng lại cũng nảy sinh hàng loạt vấn đề mới như việc vẫn phải thuê người trông coi công trường, vật liệu xây dựng đang làm dở.
"Thi công đã chậm tiến độ, lại còn phải lo trông coi vật liệu, cứ xểnh ra là mất, khi thì sắt thép, lúc cái máy bơm, nếu không để ý là “bay hơi” ngay. Bức xúc lắm!. Nếu thiếu vốn 7 đồng thì khi dừng dự án cũng rơi vãi tới 3 đồng", anh Đức than thở.
Anh Đức cho biết, đã nhiều năm nay anh luôn nhận được nhiều công trình lớn ở khu vực phía Nam Hà Nội. Có khi đơn đặt hàng nhiều tới mức không kịp tuyển thợ thi công. Nhưng thời điểm này, dù đang mùa xây dựng nhưng nhóm thợ ngót 50 người của anh vẫn thiếu việc phải “nhảy” ra ngoài kiếm sống; người thì về quê, kẻ thì ra chợ người tranh thủ kiếm thêm việc khác lấy tiền gửi về nhà chờ khi nào có việc lại quay về công trình. Trong đó, có không ít anh em đang là thợ kỹ thuật bậc cao, không có việc phải chuyển từ thợ xây dựng sang trông coi những công trình dở dang.
Dừng công trình khiến các chủ đầu tư vất vả trông coi vì sợ "đạo trích đồng nát" |
Đứng trước hàng loạt những khó khăn như hiện nay, ông Trần Đắc, giám đốc Công ty xây dựng Tất Đắc, cho biết, khó khăn khi công trình phải dừng không chỉ là việc tốn kém và lãng phí mà quan trọng hơn đấy là áp lực trả nợ từ phía ngân hàng. Dưới áp lực này, nhiều chủ đầu tư buộc phải hạ giá bán, thậm chí phải tính đến việc bán tháo, bán dưới giá thành để nhanh thu hồi vốn, trả nợ vay và các chi phí khác.