03/11/2016 7:50 AM
Dự án Quốc lộ 12A - đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh có tổng chiều dài 8 km, vốn đầu tư ban đầu hơn 113 tỷ đồng. Trải qua hơn 6 năm thi công (chậm tiến độ so với dự kiến 4 năm), đến nay, công trình này vẫn đang dang dở.
Tiến độ rùa
Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 12A, đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chính thức phê duyệt tại Quyết định số 3905/QĐ-BGTVT ngày 13/12/2007.
Theo đó, mục tiêu đầu tư của dự án nhằm tránh ách tắc, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đi qua khu vực nhà máy Xi măng Sông Gianh (huyện Tuyên Hoá); đảm bảo giao thông trong quá trình khai thác, vận chuyển vật liệu trong vùng; đảm bảo hoạt động giao thông - vận tải nội vùng trên Quốc lộ 12A, nâng cao năng lực khai thác của tuyến vận tải quốc tế qua cửa khẩu Cha Lo; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực các huyện có tuyến đường đi qua…
Dự án Quốc lộ 12A, đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh (Quảng Bình) sau 6 năm thi công vẫn chưa hoàn thành
Dự án có tổng vốn đầu tư được duyệt hơn 113 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Sở GTVT Quảng Bình là đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án. Mặc dù theo Quyết định số 3905/QĐ-BGTVT, Dự án khởi công vào quý II/2008, nhưng mãi đến tháng 2/2010, Dự án mới chính thức được khởi công. Toàn tuyến có chiều dài 8 km, được chia thành 3 gói thầu với 3 đơn vị nhận thầu thi công thực hiện.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 6 năm triển khai, dự án Quốc lộ 12A - đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh vẫn đang trong tình trạng thi công dang dở.
Đến thời điểm này (tháng 11/2016), công trình chỉ mới rải thảm nhựa được khoảng 4 km, hơn 3 km đang thi công. Riêng 1 km còn lại, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thực hiện. Do thi công gián đoạn, một số hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp…
Mỏi mòn đợi vốn
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, khó khăn chính của dự án là thiếu vốn, không chỉ vốn thi công công trình, mà thiếu cả vốn đền bù giải phóng mặt bằng. Bởi thế, khi dự án đã chính thức khởi công, nhưng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án đến nay chưa giải quyết xong.
Sở GTVT Quảng Bình cho biết, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án được tách thành các tiểu dự án độc lập, do UBND huyện Quảng Trạch và UBND huyện Tuyên Hóa làm chủ đầu tư với phạm vi qua địa phận các huyện này. Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng ban đầu được duyệt là tái định cư tại chỗ, nhưng theo yêu cầu của người dân, do diện tích tính theo đầu người thấp nên phải chuyển qua phương án tái định cư tập trung (gồm 2 khu tái định cư và 1 nghĩa trang nhân dân). Tuy nhiên, do ngân sách của tỉnh không bố trí được nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang, nên tiến độ dự án tái định cư không được đảm bảo.
Trước tình hình trên, xét đề nghị của địa phương và Bộ GTVT, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Công văn số 200/TTg-KTN (ngày 16/2/2016), về việc triển khai công tác tái định cư dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Theo đó, để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án, Chính phủ cho phép UBND tỉnh Quảng Bình được tạm ứng vốn của dự án để đầu tư khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm thu hồi tiền sử dụng đất, tiền mua nhà của người được bố trí tái định cư để hoàn trả kinh phí đã tạm ứng cho dự án.
Tuy nhiên, sau khi được ứng trước 9,497 tỷ đồng thì nguồn vốn của dự án không còn để bố trí tiếp, nên khu tái định cư phía huyện Quảng Trạch chưa thể hoàn thành để có thể di dời các hộ dân vào ở.
Cũng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, theo phương án ban đầu được phê duyệt, tổng số tiền dự kiến thu hồi từ các hộ dân được bố trí tái định cư là 1,837 tỷ đồng và phần kinh phí chênh lệch còn thiếu là 13,140 tỷ đồng. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, nên tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình phần kinh phí chênh lệch còn thiếu trên từ ngân sách Trung ương, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Hiện tại, dự án đang chờ nguồn vốn này để tiếp tục hoàn thành và di dời các hộ dân vào khu tái định cư để có mặt bằng thi công.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 113 tỷ đồng, đến năm 2013 thì được điều chỉnh lên 190,634 tỷ đồng. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, số vốn được Trung ương bố trí xuống cho dự án mới chỉ được 147,8 tỷ đồng, còn thiếu 42,8 tỷ đồng nữa. Do thiếu vốn nên công trình đành phải tạm ngừng.
“Hiện tại dự án thiếu cả vốn xây lắp lẫn vốn tái định cư. Công trình hết vốn nên phải tạm dừng kỹ thuật để chờ vốn bố trí. Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ bố trí thêm hơn 42 tỷ đồng nữa, nhưng đến nay chưa được thông qua. Vì vậy, dự án phải chờ đợi khi nào được bố trí vốn thì mới tiếp tục thực hiện”, ông Hải nói.
Ngọc Tân (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.