Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Xi măng Công Thanh.
Theo đó, Xi măng Công Thanh bị phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính quý 4/2022; Báo cáo tài chính quý 1/2023, Báo cáo tài chính quý 3/2023; Báo cáo tài chính quý 4/2023; Giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thay đổi từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm trước đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022; Thông báo ký hợp đồng kiểm toán năm 2023.
Xi măng Công Thanh không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2022, năm 2023 và bán niên năm 2023; Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022, năm 2023 và bán niên năm 2023; Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022, bán niên năm 2023;
Nhà máy Xi măng Công Thanh
Ngoài ra, doanh nghiệp này công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định trên hệ công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, năm 2023; Báo cáo thường niên năm 2022, năm 2023; Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023; Giải trình ý kiến kiểm toán từ chối tại Báo cáo tài chính năm 2023; Giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thay đổi từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm trước đối với Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 và Báo cáo tài chính năm 2023.
Với hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, Xi măng Công Thanh bị phạt 65 triệu đồng.
Cụ thể, tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2023, Xi măng Công Thanh không trình bày Nghị quyết Hội đồng quản trị số 01-2023/NQ-HĐQT ngày 5/1/2023 về việc vay tiền của Phó Tổng giám đốc; không trình bày thông tin về giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Trong năm 2022, công ty phát sinh giao dịch trả tiền vay cho bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Phó Tổng Giám đốc công ty 10,1 tỷ đồng; còn trong năm 2023, doanh nghiệp này vay tiền của bà Thảo 17,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, với hành vi không đăng ký giao dịch chứng khoán, Xi măng Công Thanh bị phạt 350 triệu đồng.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Xi măng Công Thanh hoàn tất đăng ký công ty đại chúng ngày 13/11/2009, tuy nhiên đến nay công ty chưa đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Như vậy, tổng số tiền phạt vì các sai phạm trên của Xi măng Công Thanh là 507,5 triệu đồng. Quyết định xử phạt có hiệu lực từ ngày 29/11/2024.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, Xi măng Công Thanh buộc phải nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày đối với hành vi không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Âm vốn chủ sở hữu hơn 7.000 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo thường niên năm 2023, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 483 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2022; Công ty báo lỗ sau thuế tới 1.826 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.182 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh cho biết doanh thu giảm mạnh do thị trường xi măng trong nước nguồn cung đang vượt cầu, thị trường xuất khẩu clinker gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, làm giá thành sản xuất tăng cao theo.
Mặt khác, công ty phải chịu các khoản chi phí cố định lớn như lãi vay, khấu hao, lương nhân viên, phân bổ chi phí đầu tư ban đầu…
Tại ngày 30/12/2023, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế của đã vượt vốn chủ sở hữu là hơn 7.000 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 2.783 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.593 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Tổng tài sản Xi măng Công Thanh xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2022, với gần 11.000 tỷ đồng nằm ở tài sản cố định. Các khoản phải thu ngắn hạn là 484 tỷ đồng, đa số là phải thu từ khách hàng. Hàng tồn kho cuối kỳ ở mức 218 tỷ đồng.
Bên kia nguồn vốn, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tài chính là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn (lãi vay ngân hàng và lãi trái phiếu) là 10.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Xi măng Công Thanh được thành lập ngày 23/1/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng.
Ngày 4/7/2007, Xi măng Công Thanh khởi công xây dựng và lắp đặt thiết bị sản xuất clinker và Xi măng dây chuyền 1 với công suất 2.500 tấn clinker/ngày tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Hai năm sau, công ty này tiếp đầu tư dự án xây dựng dây chuyền 2 công suất 12.500 tấn clinker/ngày với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Xi măng Công Thanh là sản xuất clinker, xi măng, vôi và thạch cao.
-
Một đơn vị âm vốn chủ sở hữu 5.800 tỷ
Phía kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận đối với BCTC bán niên 2023 của Công ty CP Xi măng Công Thanh vì lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu và công ty chậm trả những khoản vay và trái phiếu đến hạn.
-
Âm vốn chủ sở hữu 5.200 tỷ, “khất nợ” nghìn tỷ trái phiếu đến hạn
Công ty CP Xi măng Công Thanh đã bị kiểm toán chỉ ra một loạt vấn đề trong báo cáo tài chính năm 2022, thậm chí là có nguy cơ đe dọa tới khả năng hoạt động liên tục của công ty.
-
Vừa bước sang năm 2025, nhiều nhà sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn
Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Tân Thắng... là những thương hiệu xi măng công bố điều chỉnh tăng giá thêm 50.000 đồng/tấn xi măng ngay từ đầu năm 2025.
-
Đầu tư công và bất động sản có thể kéo tiêu thụ xi măng sôi động trở lại?
Các dự án đầu tư công và hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và nhiều tuyến đường kết nối khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là động lực chính kích thích nhu cầu xi măng trong nước....
-
Nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam vừa chứng kiến thua lỗ nghìn tỷ năm thứ 2 liên tiếp
Tổng công ty Xi măng Việt Nam lỗ năm thứ hai liên tiếp khi lợi nhuận hợp nhất 2024 âm 1.400 tỷ đồng.