Phía kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận đối với BCTC bán niên 2023 của Công ty CP Xi măng Công Thanh vì lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu và công ty chậm trả những khoản vay và trái phiếu đến hạn.

Kinh doanh thua lỗ, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về khả năng hoạt động

Công ty CP Xi măng Công Thanh được thành lập ngày 23/01/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Ngày 4/7/2007, Xi măng Công Thanh khởi công xây dựng và lắp đặt thiết bị sản xuất clinker và xi măng dây chuyền 1 với công suất 2.500 tấn clinker/ngày tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Hai năm sau, công ty này tiếp đầu tư dự án xây dựng dây chuyền 2 công suất 12.500 tấn clinker/ngày với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD.

Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Xi măng Công Thanh là sản xuất clinker, xi măng, vôi và thạch cao. Các sản phẩm của nhà sản xuất này hiện đa dạng về chủng loại và chất lượng với các chủng loại chính là xi măng đa dụng PCB40, dân dụng PCB40; xi măng portland; xi măng bền sunphat…

Xi măng Công Thanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu gần 5.800 tỷ đồng

Mới đây, Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên năm 2023 đã kiểm toán.

Đáng chú ý, tại BCTC này, kiểm toán viên đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Theo đó, có nhiều nguyên nhân khiến công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của Xi măng Công Thanh.

Nguồn: Thuyết minh BCTC soát xét bán niên 2023 của Xi măng Công Thanh

Thứ nhất, 6 tháng đầu năm 2023, Xi măng Công Thanh đã phát sinh khoản lỗ sau thuế gần 609 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 539 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thuần đạt 353 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế của đã vượt vốn chủ sở hữu là 5.789 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 2.586 tỷ đồng.

Thứ ba, tại thời điểm 30/6, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.593 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng chưa chi trả khoản vay ngắn hạn cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội với số tiền là 287 tỷ đồng và tổng tiền lãi vay quá hạn là 333 tỷ đồng cho các ngân hàng này.

"Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, đơn vị kiểm toán nhận mạnh.

Phía kiểm toán cho biết, mặc dù Xi măng Công Thanh đã lập báo cáo tài chính trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động liên tục. Tuy nhiên, ban lãnh đạo doanh nghiệp này không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đã đề ra.

Dựa theo các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để soạn lập báo cáo tài chính này là phù hợp. Do đó, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC bán niên 2023 của Xi măng Công Thanh.

Lãnh đạo Xi măng Công Thanh lên tiếng

Tại ngày 30/6, tổng tài sản Xi măng Công Thanh xấp xỉ 12.175 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm, với hơn 11.000 tỷ đồng nằm ở tài sản cố định.

Các khoản phải thu ngắn hạn là 486 tỷ đồng, đa số là phải thu từ khách hàng. Hàng tồn kho cuối kỳ ở mức 230 tỷ đồng. Lượng tiền và tiền gửi của công ty còn 16 tỷ đồng.

Bên kia nguồn vốn, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 17.963 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tài chính là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn (lãi vay ngân hàng và lãi trái phiếu) là 9.000 tỷ đồng.

Liên quan đến ý kiến “Từ chối đưa ra ý kiến” về khả năng hoạt động trong tương lai do liên quan đến khoản nợ vay và lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ, Xi măng Công Thanh đã lên tiếng về vấn đề này.

Ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh cho rằng công ty có thể tiếp tục hoạt động liên tục vì có thể tạo ra dòng tiền hoạt động thuần để đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động và trả một phần khoản vay với các ngân hàng.

Ngoài ra, công ty đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư mới để tăng thêm vốn nhằm mục đích trả khoản vay ngân hàng cũng như huy động thêm sự hỗ trợ tài chính từ nhà đầu tư và chủ nợ mới.

Năm 2023, Xi măng Công Thanh lên kế hoạch sản lượng sản xuất 2,6 triệu tấn, tiêu thụ ở mức 2,1 triệu tấn, lần lượt tăng 27% và 51% so với năm ngoái. Theo đó, doanh thu dự kiến tăng 21% lên 1.926 tỷ đồng và lỗ sau thuế 796 tỷ đồng.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mới thực hiện 18% mục tiêu doanh thu và cách mức lỗ đề ra 190 tỷ đồng.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.