Lo thiếu đất cho nhà đầu tư, nhiều địa phương đã đề xuất mở thêm khu công nghiệp mới. Nhưng điều này liệu có thật cấp thiết?

Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai). Ảnh: Lê Tiên

Lo thiếu đất vì nhà đầu tư dồn dập tới

Một tuần trước, UBND tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (Hồng Kông) để triển khai dự án sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, vốn đầu tư 200 triệu USD. Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, với diện tích 43,2 ha.

Như vậy, cho đến nay, với 13 dự án đầu tư nước ngoài và 16 dự án đầu tư trong nước, với quy mô đất khu công nghiệp cho thuê là 230 ha, VSIP Nghệ An đã lấp đầy khoảng 64% diện tích khu công nghiệp (368 ha) trong tổng số 750 ha diện tích.

Đó là một tin mừng, nhưng cũng khiến chủ đầu tư VSIP Nghệ An “lo sốt vó”. Bởi ngoài các nhà đầu tư hiện hữu, đang có một số nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngành nghề kỹ thuật cao đến tìm hiểu và muốn thuê diện tích đất lớn (10-50 ha) để mở nhà máy tại đây. Tuy nhiên, dự kiến chỉ đến cuối năm nay, toàn bộ diện tích đất khu công nghiệp của VSIP Nghệ An sẽ được lấp đầy.

Lo thiếu đất, từ năm 2017 đến nay, nhất là thời điểm gần đây, VSIP đã liên tục có văn bản đề xuất mở rộng VSIP Nghệ An, quy mô mở rộng lên tới 2.600 ha. Đặt câu hỏi vì sao diện tích xin mở rộng lại lớn hơn nhiều so với diện tích được cấp, đại diện VSIP Nghệ An cho biết, họ rút kinh nghiệm từ hai khu VSIP Hải Phòng và Hải Dương, chỉ sau một thời gian ngắn phát triển đã gần hết quỹ đất và do nhìn thấy được nhu cầu rất lớn của các nhà đầu tư.

“Dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, nhiều nhà đầu tư đang có mong muốn xây nhà máy tại khu vực này”, vị này nói.

Không chỉ VSIP, nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp gần đây cũng lo thiếu đất cho nhà đầu tư nên đã liên tục đề xuất mở khu công nghiệp mới. Chẳng hạn, nhà đầu tư WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) sau khi mở một khu công nghiệp 3.200 ha ở Nghệ An và đang tiếp tục xin mở rộng đầu tư, thì mới đây đã tới Thanh Hóa để lên kế hoạch xây dựng 2 khu công nghiệp mới, quy mô gần 1.200 ha.

“Lo thiếu đất cho nhà đầu tư” là cụm từ được lãnh đạo các địa phương đề cập khá nhiều trong Hội nghị trực tuyến mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần trước. Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Nam… đều trong danh sách này.

Vì lo thiếu đất, mà theo thông tin từ bà Nguyễn Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong năm qua, các địa phương đã đề xuất bổ sung 37 dự án vào quy hoạch khu công nghiệp.

Nghịch lý “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”

Để chuẩn bị đất cho nhà đầu tư, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển, trong năm 2020, đặc biệt trong những ngày cuối năm 2020, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung quy hoạch nhiều khu công nghiệp mới. Chẳng hạn, Hưng Yên có hai khu công nghiệp số 5 (192 ha) và Thổ Hoàng (250 ha); Đồng Nai có 3 khu công nghiệp, gồm Long Đức 3 (253 ha), Bàu Cạn - Tân Hiệp (2.627 ha), Xuân Quế - Sông Nhạn (3.595 ha)… Sơn La cũng mới được phép bổ sung vào quy hoạch Khu công nghiệp Vân Hồ (216 ha). Còn Quảng Trị sẽ có thêm Khu công nghiệp Quảng Trị (497 ha)...

Có một điểm rất đáng chú ý, đó là cùng với việc đồng ý bổ sung các khu công nghiệp này vào quy hoạch, thì văn bản của Thủ tướng Chính phủ bao giờ cũng nhấn mạnh việc UBND tỉnh phải “chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp…”.

Điều đó có lẽ xuất phát từ quy định hiện hành là chỉ địa phương nào có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp 60% trở lên mới được thành lập khu công nghiệp mới. Tuy nhiên, điều này đang gây khó cho một số “điểm nóng” về thu hút đầu tư. Bởi nếu tính chung toàn tỉnh, thì không phải tỉnh nào cũng có thể đáp ứng tỷ lệ lấp đầy 60%.

Trên thực tế, nghịch lý “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” đã xuất hiện từ lâu trên thị trường bất động sản khu công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thu hút đầu tư thứ cấp rất tốt, nhưng có khu công nghiệp, sau nhiều năm thành lập, lại hoạt động rất èo uột, cũng có khu vào quy hoạch đã lâu mà chưa thể thành lập.

Ví như câu chuyện của tỉnh Nghệ An. Trong khi VSIP Nghệ An có tỷ lệ lấp đầy ấn tượng, thì tại một loạt khu công nghiệp khác, như Hoàng Mai, Đông Hồi, hay Nam Cấm, Nghĩa Đàn, Sông Dinh…, tỷ lệ lấp đầy rất thấp, dẫn đến tỷ lệ lấp đầy chung của tỉnh không đạt 60%. Vì thế, VSIP muốn mở rộng khu công nghiệp sẽ không hề dễ dàng.

Hay ở Quảng Nam, vẫn còn Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, Khu công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình chưa thu hút được nhà đầu tư nào. Thậm chí, không quá khó để chỉ ra, ngay ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương…, vẫn có những khu công nghiệp “trắng” nhà đầu tư.

Rõ ràng, đang có những bất cập trong phát triển các khu công nghiệp ở địa phương. Nhiều khu công nghiệp quá chậm triển khai, cần phải “loại bỏ”. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư hạ tầng uy tín lại không thể mở thêm khu công nghiệp mới chỉ vì thiếu quỹ đất, hoặc do địa phương đó không đạt tỷ lệ lấp đầy cần thiết.

Vì lẽ đó, hồi giữa năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát và sẵn sàng đưa ra khỏi quy hoạch các dự án chậm trễ không triển khai, hoặc thu hút đầu tư kém. Tuy nhiên, thông tin cho biết, không có nhiều phản hồi của các địa phương về vấn đề này.

Rõ ràng, muốn dành đất cho nhà đầu tư, không nhất thiết xin xây thêm khu công nghiệp mới, mà phải bắt đầu từ việc thu hồi các dự án chậm triển khai để dành đất cho nhà đầu tư khác.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có 369 khu công nghiệp, trong đó 284 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 85 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản, với tỷ lệ lấp đầy 57,2% (tương đương cùng kỳ năm 2019).

Nguyên Đức (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.