Theo báo Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát các dự án có loại đất ở không hình thành đơn vị ở.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu xác định tổng số các dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (kể cả tại các quyết định về quy hoạch xây dựng) có loại đất ở không hình thành đơn vị ở; bao nhiêu dự án đã chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ.
Đồng thời rà soát báo cáo về nghĩa vụ tài chính liên quan đối với các trường hợp đất ở không hình thành đơn vị ở.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu rà soát thống kê bao nhiêu trường hợp chủ đầu tư không thống nhất thực hiện chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ; làm rõ nguyên nhân vì sao và đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp này.
Theo tìm hiểu, trước đó tại thông báo kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP, ngày 4-11-2020, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng đã và đang phát triển ngày càng mạnh tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.
Việc đầu tư, xây dựng loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng đã mang lại một số hiệu quả như thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy quy mô phát triển du lịch, dịch vụ; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, chủ yếu là do pháp luật hiện hành chưa có quy định về đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch. Do đó tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú,…
Để gỡ vướng cho địa phương và nhà đầu tư, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết một cách triệt để theo hướng khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện dự án; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư; có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.
Cuối năm 2021, vấn đề đất ở không hình thành đơn vị ở lại một lần nữa được doanh nghiệp gửi kiến nghị đến lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa với mong muốn sớm được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan.
Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, hiện tại, UBND tỉnh Khánh Hòa đang dừng triển khai các dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở để chuyển sang đất thương mại dịch vụ đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và cả những nhà đầu tư thứ cấp, thời gian sử dụng đất bị ảnh hưởng.
Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết thêm, các dự án chỉ còn lại 30 - 35 năm thời gian sử dụng đất, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp.
Do đó, Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét địa bàn Cam Lâm là địa bàn khó khăn để tăng thời gian sử dụng đất cho doanh nghiệp lên 70 năm để tạo môi trường đầu tư bền vững.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng việc cấp chủ quyền căn hộ condotel cho các nhà đầu tư thứ cấp trên địa bàn tỉnh còn dè dặt.
Vì vậy, doanh nghiệp này kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa mạnh dạn sớm triển khai cấp chủ quyền căn hộ condotel cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Gần đây, vào tháng 6/2022, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa, liên quan đến hàng loạt kiến nghị tháo gỡ những điểm nghẽn đối với dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở”, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là khái niệm không có trong Luật đất đai do đó, những dự án chưa hình thành thì chuyển về đất thương mại dịch vụ (TMDV) như quy hoạch ban đầu.
Đối với các dự án đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp, đề xuất hai hướng xử lý. Thứ nhất, với các dự án thuộc khu vực xét thấy đủ cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, giao thông… thì có thể chuyển thành đất ở, chủ đầu tư phải nộp thêm ngân sách để chuyển đất TMDV sang đất ở theo quy định.
Còn với các dự án không thể điều chỉnh, Khánh Hòa đã đề xuất với Trung ương chuyển về đúng với quy hoạch ban đầu là đất TMDV nhưng có thể căn cứ vào giấy phép đầu tư tỉnh sẽ báo cáo Trung ương cấp số hồng cho các nhà đầu tư thứ cấp là sở hữu trong 50 năm.
-
Thị trường nhà đất thành phố Cam Ranh hưởng lợi từ quy hoạch mới
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Cam Ranh đến năm 2045. Đây là quy hoạch quan trọng, tác động lớn đến việc kinh tế xã hội của thành phố Cam Ranh, trong đó có lĩnh vực bất động sản....
-
Diện mạo mới của “thiên đường nghỉ dưỡng” tại Khánh Hòa
Bãi Dài (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) được ví như “thiên đường nghỉ dưỡng” khi sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ, bãi cát trắng, nước biển trong xanh, nắng ấm quanh năm. Nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng loạt dự án bất động nghỉ dưỡng cao cấp với s...
-
Cập nhật tiến độ siêu dự án khu đô thị hơn 85.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa
Ngày 13/5, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị về tình hình triển khai Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.