Đỏ mắt vì doanh nghiệp bán "lúa" non
Lợi dụng sơ hở về pháp luật bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã "cầm đèn chạy trước ô tô" khi huy động vốn trái quy định, bán căn hộ tại nhiều dự án tại TP.HCM khi chưa đủ điều kiện hình thành nhà ở trong tương lai.
Một phần do mức giá hấp dẫn và sinh lời nên khách hàng thường chủ quan, không yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thủ tục pháp lý như: quy hoạch chi tiết 1/500, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)… Sau nhiều năm không triển khai thi công thì khách hàng mới biết dự án chưa đủ pháp lý.
Thực tế cho thấy, phần lớn các dự án kiểu như vậy thường không thể triển khai xin phép xây dựng, thi công dự án do vướng các vấn đề pháp lý dự án, đất đai. Hệ quả là người dân, khách hàng có nguy cơ mất trắng số tiền đặt cọc, thanh toán bởi nhiều dự án hiện nay vẫn đang "đứng hình".
Mới đây, trong kết luận của Thanh tra TP.HCM đã chỉ rõ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo (Công ty Thái Bảo) tổ chức huy động vốn trái quy định tại dự án được xây dựng với mục đích tái định cư, giải tỏa nhà trên kênh rạch tại quận 8. Các dự án bị bêu tên bao gồm: Chung cư cao tầng An Sinh - Asa Light (phường 4, quận 8), khu tái định cư Trương Đình Hội 2 (phường 16, quận 8).
Công ty Thái Bảo đã huy động vốn khoảng 381 tỷ đồng, chưa thực hiện hoàn trả cho người dân khoảng 265 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động vốn trái phép tại dự án Chung cư cao tầng An Sinh là là 234 tỷ đồng và 31 tỷ đồng đối với dự án Khu tái định cư Trương Đình Hội 2, gây nhiều bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo…
Công ty Thái Bảo huy động 234 tỷ đồng tại dự án chung cư An Sinh
Giữa năm 2017, hàng trăm khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ dự án Asa Light với Công ty Thái Bảo. Trong hợp đồng có ghi, chậm nhất ngày 31/12/2018, chủ đầu tư phải bàn giao nhà. Thế nhưng, từ khi ký hợp đồng dự án triển khai rất chậm, khi thi công đến tầng 6 block B, tầng 2 block A, C thì dự án ngừng cho đến nay.
Theo nhiều người mua nhà tại dự án cho biết, họ rất khổ sở khi phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để mua căn hộ tại dự án. Nhưng nhiều năm nay, dự án đã dừng thi công. Thậm chí, khách hàng thiếu tiền thanh toán dự án nên phải vay tiền của ngân hàng để trả cho Công ty Thái Bảo nhưng đến nay vẫn không có nhà. Từ đây, người dân phải đóng lãi suất ngân hàng hàng tháng khiến cuộc sống bị đảo lộn, khó khăn.
Chị Đ.T.T (ngụ quận 8) cho hay: "Năm 2017, chị ký hợp đồng mua bán căn hộ tại block A dự án Asa Light với Công ty Thái Bảo. Giá trị căn hộ khoảng 1,6 tỷ đồng. Sau khi xoay xở tiền để đóng, chị mới ngã ngửa vì dự án ngưng thi công. Chị tìm đến công ty để hỏi lý do, thì phía công ty né tránh, chỉ trả lời chung chung. Giờ hàng tháng phải gồng gánh số tiền trả lãi mà không biết đến khi nào mới nhận được nhà".
Cùng cảnh ngộ với chị T là anh N.V.H (ngụ quận Tân Phú), anh cho biết: "Anh ký hợp đồng mua bán căn hộ block C với Công ty Thái Bảo từ giữa năm 2017. Giá trị căn hộ khoảng 1 tỷ đồng, thời hạn bàn giao nhà dự kiến cuối năm 2018. Thanh toán được khoảng 500 triệu đồng, anh nhận thấy dự án có vấn đề nên không đóng tiền nữa".
Thời gian qua, để đòi lại công bằng, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Asa Light đã liên tục tìm đến Công ty Thái Bảo yêu cầu bồi thường, lấy lại tiền, bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, phía công ty này luôn trốn tránh không tiếp xúc với người dân, những lần tiếp xúc thì cũng chỉ hứa hẹn.
Tại dự án Thái Sơn 2 (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) do Tổng Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư, khách hàng cũng điêu đứng vì chót xuống tiền mua căn hộ, nhưng cho đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.
Theo đó, những năm 2003, 2004, Tổng công ty Thái Sơn quảng cáo rầm rộ về dự án Khu nhà ở và dân cư mới Phước Kiển (Thái Sơn 2). Như những lời giới thiệu, đây là dự án có pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư có tiếng. Tin tưởng vào chủ đầu tư, giai đoạn 2004 - 2005, nhiều khách hàng đã ký vào hợp đồng góp vốn với nội dung góp vốn để nhận nền xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, đã hơn 15 năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, không có dấu hiệu triển khai thi công xây dựng. Người dân thì hết năm này qua năm khác, "cõng" nhau đi đòi quyền lợi nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.
Hơn 15 năm, dự án Khu nhà ở và dân cư mới Phước Kiển của Tổng Công ty Thái Sơn chỉ là bãi đất trống
Anh Đ.H.N (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết: "Do tin tưởng công ty, ông vay mượn khắp nơi để kiếm chỗ an cư, lạc nghiệp. Nhưng, đến nay đã hơn 15 năm vẫn phải sống thuê vì dành hết tiền vào dự án. Anh kể, thời điểm đó giá chủ đầu tư đưa ra là 2,5 triệu đồng/m2, nhưng lúc ký kết giá lên gấp 3, 4 lần. Giờ đây, không biết lúc nào mới lấy lại được tiền".
Cao điểm, ngày 18/11/2020, hàng trăm khách hàng đã đến trước công ty với băng rôn "yêu cầu Tổng công ty Thái Sơn bồi thường quyền lợi cho khách hàng" để đòi lại quyền lợi. Tuy nhiên, phía công ty vẫn im lặng, không chịu giải quyết.
Ông Đ.V.H (ngụ quận 9) nói trong bức xúc: "Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có động thái gì về dự án. Có những người đặt cọc 60 - 80% giá trị hợp đồng, có người thì thanh toán hết. Hơn 15 năm qua, cái chúng tôi nhìn thấy là mảnh đất trống và cỏ dại".
Lỗ hổng từ chương trình chỉnh trang đô thị
Xuất phát điểm từ chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh rạch trên địa bàn thành phố, trong đó tại khu vực quận 8, chính quyền tổ chức sắp xếp cho người dân về chung cư An Sinh và khu tái định cư Trương Đình Hội 2,3 để sinh sống. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8 (Công ty DVCI quận 8) đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án.
Cụ thể, đối với chung cư cao tầng An Sinh (Asa Light), Công ty DVCI quận 8 được giao làm chủ đầu tư dự án từ tháng 7/2007. Đến năm 2016, UBND quận 8 chấp thuận về mặt chủ trương cho Công ty DVCI quận 8 và Công ty Thái Bảo hợp tác đầu tư xây dựng dự án.
Việc hợp tác giữa 2 công ty vẫn chưa được UBND thành phố chấp thuận theo quy định. Thế nhưng, Công ty Thái Bảo đã tự ý ký hợp đồng mua bán căn hộ theo hình thức thương mại với người dân không đúng quy định của pháp luật, không đúng mục tiêu đầu tư của dự án.
Tại khu tái định cư Trương Đình Hội 3, căn hộ chung cư chưa thấy đâu nhưng những căn nhà liền kề đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng
Dự án Asa Light có quy mô 1.057 căn hộ, trong đó có 259 căn nhà ở xã hội. Đây là dự án phục vụ nhu cầu tái định cư trong chương trình chỉnh trang đô thị, di dời những hộ dân đang sống ven kênh rạch trên địa bàn quận 8.
Tương tự, tại khu tái định cư Trương Đình Hội 2,3 cũng bị biến thành nhà thương mại.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư Trương Đình Hội 2 được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2004 với diện tích 4,82ha. Giai đoạn 1 của dự án gồm 3 khu nhà ở cao từ 8-18 tầng với 1.028 căn hộ, thời gian thực hiện là 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bản chấp thuận đầu tư.
Công ty DVCI quận 8 đã hợp tác với Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 để triển khai dự án. Đến năm 2017, trong khi chưa có giấy phép xây dựng nhưng công ty vẫn tiến hành khởi công xây dựng và rao bán căn hộ.
Còn khu tái định cư Trương Đình Hội 3 được UBND TP. HCM chấp thuận từ năm 2005 với quy mô 1.040 căn hộ. Tuy nhiên, năm 2013, UBND quận 8 đã điều chỉnh quy hoạch khu này chỉ còn lại 336 căn hộ chung cư và 98 căn nhà liền kề. Cũng như khu tái định cư Trương Đình Hội 2, dù chưa có giấy phép xây dựng, tháng 9/2017, Công ty DVCI quận 8 vẫn triển khai thi công xây dựng. Đến nay, chung cư còn chưa thấy đâu, thì các khu nhà liền kề xung quanh đã xây dựng gần hết và đã đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, lợi dụng chủ trương của thành phố về giãn dân và giải quyết chỗ ở những khu vực hoang vắng, xa trung tâm, hạ tầng giao thông, xã hội chưa hoàn chỉnh, Tổng Công ty Thái Sơn đã xin thực hiện dự án Khu nhà ở và dân cư mới Phước Kiển rồi tiến hành huy động vốn trái quy định.
Theo đó, ngày 21/4/2005, Tổng Công ty Thái Sơn có công văn gửi UBND huyện Nhà Bè xin chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng khu dân cư (dự án Thái Sơn 2) cho cán bộ, sĩ quan tại xã Phước Kiển với diện tích đất dự kiến khoảng 30 ha. Đến ngày 4/8/2005, UBND huyện Nhà Bè có công văn chấp thuận việc xây dựng khu nhà ở.
Đến ngày 12/9/2005, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM có công văn về việc thỏa thuận sơ bộ phương án quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng khu nhà ở tại xã Phước Kiển và yêu cầu Công ty Thái Sơn tiến hành các thủ tục giao, thuê đất và các nội dung yêu cầu khác theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, sau khi được chấp thuận, Tổng Công ty Thái Sơn đã không tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý thực hiện dự án theo yêu cầu của cơ quan chức năng, để tiến độ dự án bị kéo dài. Đồng thời, lợi dụng thị trường nóng sốt, công ty này đã huy động vốn trái quy định, khiến hàng hàng trăm khách hàng "sập bẫy".
Theo UBND huyện Nhà Bè, hiện nay, Tổng Công ty Thái Sơn không còn đủ năng lực làm chủ đầu tư dự án, trên địa bàn, không tồn tại dự án nào mang Thái Sơn 2.
-
Bắc Ninh: "Đất lúa non" không sổ đỏ đắt không ngờ, giá đất nông nghiệp ở mức cao
Giá đất nông nghiệp tại Bắc Ninh khá cao so với các tỉnh lân cận, trung bình từ 2-4 triệu đồng/m2. Ở loại hình khác, "đất lúa non" tại địa phương này có giá cao không ngờ.