01/02/2021 5:04 PM
Dịch một lần nữa gây khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp du lịch khi phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn cho khách hàng.

Ngày 1-2, Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM kí công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; UBND TP.HCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đầu năm 2021 trước sự chỉ đạo kiên quyết, mạnh mẽ của Chính phủ dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, từng bước phục hồi du lịch nội địa nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cùng các doanh nghiệp (DN) hội viên phối hợp các đơn vị vận chuyển, Hiệp hội Du lịch các địa phương tích cực triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc, hứa hẹn một mùa du lịch tết 2021 với nhiều khởi sắc.

Doanh nghiệp du lịch TP.HCM tung nhiều khuyến mãi kích cầu thu hút khách nội địa tại Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2020.

Tuy nhiên, trưa 28-1, Việt Nam ghi nhận 82 ca nhiễm tại Hải Dương, Quảng Ninh và liên tiếp các ca nhiễm những ngày sau đó.

Mặc dù sự chỉ đạo quyết liệt chủ Chính phủ với chủ trương dập dịch thần tốc và được ngành y tế cảnh báo là chủng COVID biến thể nguy cơ lây lan nhanh, tuy nhiên để bảo vệ chính mình cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, người dân và du khách đã đồng loạt hoãn, hủy các tour du lịch, đặc biệt các tour du lịch tết đã đăng ký trước đó.

Điều này một lần nữa gây khó khăn chồng chất cho các DN du lịch khi phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn cho khách hàng. Trong khi vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.

Thời gian qua các chính sách ứng phó của Chính phủ với đại dịch đã thu được nhiều kết quả tích cực nhưng thực tiễn triển khai cho thấy vẫn đang phát sinh một số bất cập, hạn chế.

Cụ thể, DN du lịch trong đợt dịch tháng 3-2020 được áp dụng quy định giãn thời gian nộp thuế VAT là sáu tháng, hiện nay DN vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian.

Đối với thuế thu nhập DN do hoạt động lỗ nên cũng không áp dụng chính sách này. Đối với thuế thu nhập cá nhân cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào, vẫn phải đóng đủ và đúng thời gian.

Đối với bảo hiểm xã hội hiện nhà nước cho giãn nộp với điều kiện phải cắt giảm trên 50% lao động, DN nào không cắt giảm lao động thì xem như vẫn đóng bình thường.

Ngoài ra, việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn chỉ áp dụng đến hết năm 2020…

Hướng dẫn viên thuyết minh cho du khách tại bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Trước những thiệt hại dồn dập, nặng nề này, Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị với các ngành chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để DN cầm cự vượt qua đại dịch.

Nguyên vọng của các DN du lịch TP.HCM đề xuất miễn hoặc giảm 50% thuế VAT cho các DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021. Vì hiện nay đa số DN lữ hành không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác…

Miễn tiền thuê đất cho DN du lịch trong năm 2021, 2022; tạo điều kiện cho các DN du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0% để giúp DN giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi.

Kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để DN không rơi vào phát sinh nợ xấu; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021.

Bên cạnh đó, cho phép DN du lịch, người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2021 đến hết tháng sáu năm 2022.

Điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn ba tháng trong 24 tháng qua; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Đối với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, tăng tỷ lệ thay thế từ 60% lên 80%...

Đây là nguyện vọng tha thiết của DN, hiệp hội Du lịch TP.HCM rất mong nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và các ngành chức năng kịp thời đề xuất Chính phủ nhằm tiếp sức cho DN vượt khó.

  • Một năm sóng gió của ngành du lịch và khách sạn

    Một năm sóng gió của ngành du lịch và khách sạn

    CafeLand - Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch khiến nhiều khách sạn phải đóng cửa tạm thời. Giới quan sát thị trường nhận định khách du lịch nội địa sẽ là yếu tố chính thúc đẩy sự phục hồi trong năm 2021.

Tú Uyên (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.