Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang rất “đói” vốn để triển khai xây dựng các khối nhà, phục vụ nhu cầu của đông đảo người thu nhập thấp. Thế nhưng, con đường tiếp cận vốn ưu đãi lại chưa mở ra với nhà đầu tư…
“Kẹt” vì thiếu vốn
Rất hào hứng với lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, hiện nay, Hà Nội đã có 8 doanh nghiệp, đơn vị, tổng công ty đăng ký tham gia 11 dự án đầu tư xây dựng với tổng diện tích khoảng 40 ha, tổng diện tích sàn xây dựng 1.169.350m2, tương đương 16.500 căn hộ, đáp ứng 53.231 chỗ ở... Tới thời điểm này, một số dự án đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng như dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) hay dự án xây dựng nhà ở xã hội tại CT19 khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Dự kiến, những hợp đồng thuê nhà đầu tiên tại dự án Việt Hưng sẽ được thực hiện trong tháng 1/2011.
Ngoài ra, Hà Nội còn hàng loạt các dự án khác đang triển khai xây dựng như dự án tại Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), dự kiến hoàn thành trong quý III/2012; dự án tại khu tái định cư Kiến Hưng, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), dự kiến hoàn thành trong quý II/2012; dự án xây dựng 10 tòa nhà chung cư cao 12 tầng tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm), dự kiến hoàn thành trong quý II/2012; dự án khu nhà ở Đại Mỗ (huyện Từ Liêm)...
Vị Phó Giám đốc Sở cho rằng, các doanh nghiệp luôn bám sát thị trường và khi nhận thấy phân khúc cao cấp không còn hấp dẫn nữa, trong khi thành phố đang dành nhiều ưu đãi cho nhà giá rẻ, nhà xã hội, nên nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng quy mô lớn. Ông Nguyễn Quốc Tuấn nói: “Doanh nghiệp sẵn sàng đi theo mô hình nhà cho người thu nhập thấp trong một khoảng thời gian dài nữa khi thu nhập của người dân vẫn còn ở mức trung bình”.
Tuy vậy, cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc tiếp cận vốn vay hỗ trợ đối với các dự án này hiện còn rất khó khăn. Tính đến nay, mới chỉ có 1/11 dự án được vay vốn ưu đãi. Mặt khác, việc thẩm định giá bán nhà còn chậm nên ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng huy động vốn của chủ đầu tư cũng như thời gian bàn giao nhà cho các chủ sở hữu... Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 5 năm tới, mục tiêu của Hà Nội là phải xây dựng được 15.500 căn hộ dành cho người thu nhập thấp (tương ứng 1,1-1,5 triệu m2 sàn) và hơn 28.750 căn hộ (1,6 triệu m2 sàn) đáp ứng chỗ ở cho 50% công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Tổng mức đầu tư cho các dự án này ước 15.000 - 17.000 tỷ đồng. Thế nên, nhu cầu vốn là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục bị từ chối cho vay ưu đãi, đích đến của năm 2015 khó trở thành hiện thực!
Đòi hỏi bắt buộc
Thực trạng “khát” vốn của các dự án nhà giá rẻ đã được các cơ quan liên quan thừa nhận. Thông tin từ Ngân hàng Phát triển (VDB) hồi giữa tháng 11/2010 cho hay, trong tổng số 44 dự án nhà ở giá rẻ trên cả nước với tổng mức đầu tư 6.600 tỷ đồng, chưa có bất kỳ dự án nào vay được vốn từ VDB theo chính sách ưu đãi của chương trình phát triển nhà ở xã hội. Do không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, rất nhiều chủ đầu tư dự án nhà giá rẻ phải đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó có vay tại các ngân hàng thương mại với lãi suất cao.
Nếu doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất lên tới 18 - 20%/năm như hiện nay, sẽ không thể có nhà giá rẻ! |
Theo đại diện VDB, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chủ đầu tư các dự án nhà giá rẻ, nhà xã hội không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) nên không thể dùng làm tài sản thế chấp để cho vay, không đăng ký được giao dịch đảm bảo. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận: “Đúng là nhiều chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh cấp quyết định giao đất mà chưa được cấp “sổ đỏ” nên không thể hoàn thành thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo quyền sử dụng đất. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ VDB”. Lãnh đạo Bộ Xây dựng hứa sẽ sớm làm việc với các Bộ liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng cho cơ chế linh hoạt để doanh nghiệp có thể thế chấp tài sản trên đất. Phương án thứ hai là kiến nghị Thủ tướng ban hành một cơ chế riêng cho chương trình phát triển nhà ở xã hội để VDB có cơ sở pháp lý giải quyết vốn vay cho các dự án.
Cũng liên quan tới khó khăn của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã yêu cầu các sở, ngành chức năng tập hợp những kiến nghị của các chủ đầu tư, nếu cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thể vay vốn ngân hàng thì trình UBND TP để xem xét giải quyết. Đối với các dự án chuẩn bị đưa vào sử dụng, ông Phí Thái Bình chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục cuối cùng để người mua có thể chuyển về ở trước Tết Tân Mão 2011. Cùng với đó, UBND TP cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; Sài Đồng, Long Biên và Đại Mỗ, Từ Liêm... đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương xác định giá bán sau khi triển khai xây dựng xong phần móng để tổ chức huy động vốn. Với các dự án tại Bắc An Khánh, Hoài Đức và Mê Linh, chủ đầu tư cần sớm gửi hồ sơ để Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định trình UBND TP phê duyệt.
6.600 tỷ đồng là tổng mức đầu tư của 44 dự án nhà ở |
Đây rõ ràng là tin vui cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, doanh nghiệp
vẫn rất cần sự vào cuộc tích cực, khẩn trương hơn từ các địa phương cũng
như VDB để hướng dẫn của các bộ chuyên ngành sớm đi vào cuộc sống, tăng
cường nguồn lực cho doanh nghiệp.