Thông tin Keangnam Landmark 72 bị rao bán từng khiến cư dân tòa nhà này hoang mang, thậm chí "cầu cứu" Thủ tướng vì sợ mất khoản phí bảo trì từ chủ đầu tư
Thông tin trên được đăng tải trên tờ Thời báo kinh tế Hàn Quốc Hankyung.
Cụ thể, ngày 16/12 Samjong KPMG – một tổ chức thu xếp bán nợ của dự án đã chọn AON Holdings là công ty ưu tiên cho thương vụ mua bán này.
Để thực hiện tòa nhà Landmark 72 vào năm 2012, chủ đầu tư là công ty Keangnam khi đó đã phải vay mượn ngân hàng 600 tỷ won (tương đương 510 triệu USD). AON Holdings được cho là đã trả khoảng 450 tỷ won để mua lại khoản nợ này. Sau khi tiếp quản các khoản nợ, Công ty tài chính này sẽ giành quyền kiểm soát toàn bộ dự án.
Trước đó, thông tin rao bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc từ tháng 4/2015. Thương vụ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Trong đó, nổi lên một số ứng cử viên mạnh hơn là Goldman Sachs và Hana Financial Investment. Goldman Sachs đã rất quan tâm đến việc mua lại tòa nhà. Tuy nhiên, AON Holdings trả giá cao hơn các đối thủ khác và trở thành người chiến thắng cuối cùng, dù đến muộn hơn trong cuộc cạnh tranh này.
Keangnam Landmark 72 nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, hiện là toà nhà cao nhất Việt Nam. Toà nhà có 72 tầng và có diện tích sử dụng 610.000 m2. Tòa nhà này thuộc sở hữu của Keangnam Vina, một công ty con của Keangnam Enterprises, có trụ sở tại Hàn Quốc.
Tòa nhà được rao bán để giải quyết các vấn đề thanh khoản và nợ nần sau khi công ty Keangnam Enterprises xảy ra nhiều bê bối như lập quỹ đen, đưa hối lộ và Chủ tịch Sung Wan-jong tự tử.