Từ chuyện Kim Long…
Trong giới chứng khoán, không ít lần bản phân tích thị trường của các CTCK nhắc đến câu "tiền mặt là vua". Thế nhưng, làm được điều này không hề đơn giản, bởi tâm lý chung của các NĐT cá nhân là khó có thể ngồi im khi đồng tiền nằm sẵn trong tài khoản. Và vì thế, với Kim Long, "đứng im" được đến thời điểm này đã là thành công. Trong khoảng 1 năm nay, nếu tham gia đầu tư, Kim Long có thể bị lỗ ít nhất 20% giá trị danh mục. Câu chuyện của Kim Long, nếu đem so sánh với đa số CTCK trong 1 năm vừa qua có thể được xem là thành công hơn mong đợi. Chưa nói đến sự nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng thị trường hay do DN này may mắn, nhưng rõ ràng, "đứng im" để quan sát kỹ càng hơn trong đầu tư chứng khoán là một chiến lược không mới nhưng cũng… không dễ thực thi.
… đến chiến lược của các DN bất động sản
Các DN ngành bất động sản niêm yết có lẽ là nhóm được quan tâm hơn cả trong thời gian gần đây, bởi các cổ phiếu nhóm này chịu tác động kép từ sự suy giảm của cả TTCK lẫn thị trường bất động sản. Với đặc thù sử dụng vốn vay lớn, thường bán hàng sớm khi chưa có sản phẩm hoàn thiện, nhiều DN thời gian qua phải đối mặt với cả 3 khó khăn là: lãi suất vốn vay ngân hàng tăng nhanh, đầu ra khó khăn với giá bán sụt giảm mạnh và chi phí trả tiền sử dụng đất tăng (do áp dụng theo cách tính mới). Với khó khăn từ cả đầu vào lẫn đầu ra, nhiều DN thuộc nhóm này đã phải thực hiện chiến lượng đứng im quan sát để có những đường hướng tiếp theo.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Nhị, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình 584 (NTB) cho hay, dự án Chung cư căn hộ cao tầng 584 Điện Biên Phủ - TP. HCM của Công ty dù đã hoàn thành, nhưng thời gian qua tạm thời không thực hiện bán ra bên ngoài do tình hình thị trường ảm đạm. "Để nguyên dự án còn tốt hơn là bán thời điểm này", ông Nhị cho biết.
CTCP Tài Nguyên (TNT) có 3 dự án bất động sản lớn được lên kế hoạch triển khai trong năm nay. Tuy nhiên, với tình hình tài chính khó khăn, Công ty chủ trương tạm thời ngừng kế hoạch đầu tư mới vào 2 dự án, chỉ tập trung sức lực các khâu chuẩn bị mang tính hậu cần, thủ tục hành chính, sẵn sàng cho kế hoạch năm sau. Do đặc thù các dự án đều chưa mở rộng đầu tư, mới xong khâu giải phóng mặt bằng, nên TNT cho rằng, nếu giãn tiến độ, Công ty sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc triển khai tiếp tục dự án lúc này.
Với CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), trong năm vừa qua, Công ty cũng chọn giải pháp "đứng im" với kế hoạch thoái vốn một số khoản đầu tư tài chính và đầu tư mới dự án, để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động trong dài hạn.
Không chỉ có 3 DN trên, nhiều công ty bất động sản khác cũng chủ động chọn hướng "đứng im" để có thể tồn tại qua thời gian khó. Tất nhiên, chiến lược này không phải ai muốn cũng có thể làm được, bởi nó còn phụ thuộc vào tình trạng của DN.
Cần sự chia sẻ chiến lược với NĐT
Ngay sau khi CTCP Xây lắp dầu khí miền Trung (PXM) công bố thông tin về việc tạm dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng, chuyển nhượng Khách sạn Đà Nẵng Riverside và khu đất 5.000 m2 (nhằm giảm áp lực lãi vay), cổ phiếu PXM đã nhận được sự hưởng ứng khá tích cực từ công chúng NĐT. Trong những ngày vừa qua, cổ phiếu này có nhiều phiên chạm giá trần, dù diễn biến thị trường khá ảm đạm. Một số NĐT cho hay, sau kế hoạch này của DN, họ đã yên tâm mua vào cổ phiếu dù thị trường có thể sụt giảm.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng nhận được sự chia sẻ của cổ đông về kế hoạch "đứng im" như trường hợp của PXM. Thời gian vừa qua, đã có ý kiến tranh cãi xung quanh việc "đứng im" của Kim Long. Theo nhiều NĐT, hành động này của Kim Long là khôn ngoan, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, Ban lãnh đạo DN đã quá… thụ động khi chờ mong nguồn thu nhập từ gửi tiết kiệm. Những người trong nghề chứng khoán thì lại cho rằng, nhận xét Ban lãnh đạo của Kim Long có thụ động hay không, nên chờ thêm một thời gian nữa khi thị trường khởi sắc.
Với quyết định hoãn đầu tư của Tài Nguyên, một số NĐT bên ngoài cũng cảm thấy thất vọng, vì họ chỉ có thể nhìn vào con số doanh thu, lợi nhuận trước mắt do DN chưa chia sẻ thông tin một cách công khai. Khi chính lãnh đạo của DN không công khai kế hoạch dài hạn, NĐT vẫn còn thích lướt sóng thì hành động "đứng im" của DN rất khó được dư luận ủng hộ, dù có thể bản chất của chiến lược đó là vì quyền lợi của cổ đông.