Những nét hiện đại của Jakarta sẽ sớm mọc lên tại thủ đô mới ở Borneo - Ảnh: Reuters
Hãng tin Bloomberg ngày 30-8 dẫn lời Hiệp hội các công ty bất động sản Indonesia (AIREC), với hơn 5.000 thành viên, cảnh báo về cơn sốt đất tại Borneo và yêu cầu chính phủ kiểm soát nạn đầu cơ.
Ông Soelaeman Soemawinata, chủ tịch AIREC, cho biết chính phủ nên kiểm soát đất đai và bán lại cho các công ty tư nhân với giá hợp lý. Chính phủ hiện đang kiểm soát 180.000ha đất tại Borneo quanh khu vực sẽ đặt thủ đô mới.
Dù tổng thống Joko Widodo mới đây xác nhận thủ đô Indonesia sẽ chuyển từ Jakarta đến đảo Borneo, hay còn được biết tới là Kalimantan với diện tích 743.300km2, thông tin dời đô đã được bàn tán từ nhiều tháng qua.
Kalimantan, hòn đảo lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba thế giới, dự kiến sẽ mọc đầy các tòa nhà chính phủ và cầu đường hiện đại như những gì người ta đang thấy ở Jakarta.
Tuy nhiên, giá đất tăng cao có thể gây ảnh hưởng đến các công ty.
Một người đàn ông câu cá gần một đền thờ Hồi giáo đã bị ngập nước ở thủ đô Jakarta của Indonesia - Ảnh chụp màn hình New York Times
"Chúng ta phải tách bạch giữa những nhà phát triển và đầu cơ. Những người đầu cơ không phát triển gì và họ chỉ ngồi chờ giá tăng rồi bán. Các nhà phát triển hy vọng chính phủ có thể đảm bảo đất đai để họ có thể phát triển" - ông Soemawinata nói.
Nhiều dự án phát triển trên đảo Borneo đang được quảng cáo rầm rộ. PT Bank Mandiri, ngân hàng cho vay lớn thứ nhì Indonesia, dự báo nhu cầu vay vốn phát triển hạ tầng và bất động sản sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Indonesia sẽ bắt đầu xây dựng thủ đô mới từ 2020 và dự kiến tiến hành di dời từ 2024. Kế hoạch dời đô có thể tiêu tốn 33 tỉ USD và thủ đô mới sẽ lớn gấp 3 lần Jakarta hiện tại. Chính quyền ông Widodo hy vọng các công ty tư nhân và nhà nước sẽ gánh 80% chi phí trên.