CafeLand - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trước ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF – 22-25/1), đồng thời cảnh báo tăng trưởng toàn cầu đang dần mất đà, đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, cho biết: “Sau 2 năm tăng trưởng mạnh, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn so với dự báo và rủi ro ngày càng tăng. Thế nhưng, ngay cả khi tiếp tục tăng trưởng… thì nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn”.

Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF

Theo đó, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,5% trong năm 2019 và tăng trưởng 3,6% trong năm 2020 (thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó). Đây là lần điều chỉnh giảm thứ 2 trong vòng 3 tháng vừa qua.

Trong tháng 10/2018, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo IMF, các nền kinh tế phát triển đang trên lộ trình giảm tốc về tăng trưởng và điều này đang diễn ra nhanh hơn dự báo. Các nền kinh tế mới nổi cũng có dấu hiệu giảm tốc. Và IMF dự báo, các nền kinh tế mới nổi sẽ chỉ tăng trưởng 4,5% trong năm 2019 và 4,9% trong năm 2020.

IMF cho rằng có nhiều nguyên nhân để điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu như: “Hàng loạt ngòi nổ bên cạnh căng thẳng thương mại có thể châm ngòi cho sự suy giảm tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, qua đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng, nhất là khi mức nợ của khu vực công và khu vực tư nhân đang rất cao”.

Những ngòi nổ tiềm năng bao gồm việc Brexit mà không có thỏa thuận và nền kinh tế Trung Quốc giảm mạnh hơn dự báo.

Quá trình Anh “ly hôn” với Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn chưa quá rõ ràng. Trong khi đó, ở Trung Quốc, các số liệu mới công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế chính thức đạt 6,6%, thấp nhất kể từ năm 1990.

“Bắc Kinh đang cố gắng cân bằng giữa kiểm soát nợ và duy trì tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ sẽ tạo lợi ích cho nền kinh tế trong dài hạn, nhưng điều này cũng có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”, IMF nhận định.

Theo bà Lagarde, các nhà hoạch định chính sách nên giảm bớt nợ chính phủ, chính sách tiền tệ nên dựa vào dữ liệu và các cuộc cải cách kinh tế nên nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm ở cả thị trường lao động.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.