Theo đánh giá của IMF, Việt Nam đã có một năm tăng trưởng tốt và có triển vọng tiếp tục đà này trong cả năm 2018 cũng như giai đoạn tiếp theo.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,6% trong năm 2018, trong khi lạm phát giữ ở dưới mức mục tiêu 4%. Thặng dư thương mại có thể giảm dần trong trung hạn, song dự trữ ngoại tệ sẽ đủ cho khoảng 2 - 3 tháng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, IMF cũng cảnh báo những thách thức ngắn và dài hạn đối với nền kinh tế như đối đầu thương mại giữa các nền kinh tế lớn, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, ô nhiễm môi trường và sự già hóa của lực lượng lao động.
Theo IMF, Việt Nam cần tiếp tục cải cách kinh tế sâu rộng, tạo động lực cho đầu tư và thúc đẩy năng lực sản xuất của nền kinh tế, tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tiếp tục cắt giảm các rào cản pháp lý và chuyển sang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả quản lý, tính minh bạch và chất lượng dữ liệu để hỗ trợ đầu tư; cải cách giáo dục đại học; tiếp tục cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ sau phiên họp Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde khẳng định IMF và cá nhân bà ủng hộ mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình cải cách.
Thủ tướng đã đề nghị IMF phối hợp theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam; tiếp tục tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về quản lý ngân sách bền vững, tiền tệ và ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng, thống kê kinh tế vĩ mô...
-
WB, IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình cải cách
CafeLand – Trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Québec, Canada, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương với hầu hết lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự, tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ.