Ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2015, hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ song dự báo tín hiệu tích cực từ châu Âu và Nhật Bản.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim (phải) và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde trong cuộc họp Nghị viện toàn cầu 2015 tại trụ sở WB ở Washington, Mỹ ngày 13/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bản báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố mỗi năm 2 lần, IMF giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 3,5% đưa ra trong dự báo hồi tháng Một cho nền kinh tế toàn cầu đồng thời cho biết con số này được kỳ vọng tăng lên 3,8% trong năm 2016.

Đáng chú ý, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 3,6% xuống 3,1% song cho biết nền kinh tế số 1 toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục là đầu tàu thúc đẩy sản xuất thế giới trong năm 2015 và 2016 trong khi nhiều nền kinh tế đang phát triển vật lộn với giá hàng hóa thấp và bất ổn trong thị trường tài chính. Trong khi đó, nền kinh tế 18 nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015 và 1,6% trong năm 2016, tăng so với dự báo hồi tháng Một là 1,2% (2015) và 1,4% (2016).

Tại châu Á, IMF không điều chỉnh dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi cho rằng nền kinh tế số 2 thế giới này sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% và 6,3% lần lượt trong 2 năm 2015 và 2016, giảm đáng kể so với mức tăng 7,4% trong năm 2014. IMF cho rằng Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay và 1,2% trong năm tới so với con số dự báo trước đó chỉ là 0,6% trong năm 2015 và 0,8% trong năm 2016.

Còn với Ấn Độ, quỹ trên dự báo nền kinh tế này sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong năm nay và năm tới, vượt cả Trung Quốc nhờ tác động từ giá dầu giảm và công cuộc cải cách do chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy. Cụ thể, IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2015 và năm 2016. Đà tăng trưởng của hai nền kinh tế này sẽ giúp giảm tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế khu vực xuất phát từ sự chững lại trong tăng trưởng của Bắc Kinh.

Trong khi đó, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như tác động từ giá dầu giảm./.

Duy Anh (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.