Báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nỗi lo của thị trường về tính bền vững tài chính có thể khiến lợi tức trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) tăng đột ngột và làm gia tăng nợ của nước này.

Báo cáo của IMF là tín hiệu gửi đến các nhà hoạch định chính sách Tokyo rằng cộng đồng quốc tế rất lo ngại về những rủi ro tài chính tiềm tàng của Nhật Bản sau khi vấn đề nợ ở một số quốc gia châu Âu lan ra thành cuộc khủng hoảng của cả khu vực

Nợ công của Nhật Bản đã lên mức gần gấp đôi sản lượng kinh tế hàng năm, tệ hơn các nước công nghiệp đang đối mặt với bất ổn tài chính như Tây Ban Nha và Ý. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản lại tỏ ra miễn cưỡng trong việc tăng thuế, đặc biệt là sau trận động đất ngày 11-3.


Theo IMF, khi lợi tức JGB tăng lên so với mức hiện tại, nợ của Nhật Bản có thể nhanh chóng trở nên không bền vững và dẫn đến sự sụt giảm tính thanh khoản trên thị trường vốn toàn cầu. Thông qua hiệu ứng lây lan, nó còn gây áp lực lên lợi tức trái phiếu chính phủ của các quốc gia khác.


Tuy nhiên, khác với những nước châu Âu, 95% nợ của chính phủ Nhật Bản thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nội địa. Điều này phần nào giúp trái phiếu Nhật Bản ổn định và lãi suất giữ được ở mức thấp dù tình hình tài chính đang xấu đi. Nhưng, IMF lo ngại giữa lúc biến động tài chính và triển vọng kinh tế toàn cầu tiêu cực, một khi niềm tin về tính bền vững bị xói mòn, chính quyền sẽ phải đối mặt với sự gia tăng lợi tức trái phiếu, hệ thống tài chính có thể bị lung lay hơn nữa và kinh tế sẽ suy giảm.


Theo tính toán của IMF, trong năm 2010, Nhật Bản phải giành tới 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để chi trả lãi suất.
Nhật Bản dự tính tăng gấp đôi thuế kinh doanh lên 10% vào giữa thập niên này và giảm một nửa thâm hụt ngân sách vào tháng 3-2016, nhưng chính phủ chưa có kế hoạch chi tiết trong tương lai xa hơn, chẳng hạn như từng bước hạ tỷ lệ nợ trên GDP.

Theo Thanh Tuyền (TBKTSG/WSJ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh